Lãnh đạo Myanmar Suu Kyi hầu tòa, bị cáo buộc thêm tội mới
Lãnh đạo bị phế truất của Myanmar Suu Kyi xuất hiện qua video tại tòa án ở Naypyidaw hôm nay và phải đối mặt thêm hai cáo buộc.
Khin Maung Zaw, luật sư của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, cho biết nữ lãnh đạo 75 tuổi trông có vẻ khỏe mạnh khi tham dự phiên tòa. Maung Zaw, một luật sư nhân quyền kỳ cựu, cho biết ông không thể trao đổi với thân chủ trước phiên tòa.
Theo luật sư Min Min Soe, bà có lẽ bị sút cân một chút và đã yêu cầu được gặp nhóm pháp lý của mình. Bà Suu Kyi không xuất hiện trước công chúng từ sau cuộc đảo chính và được cho là bị quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyidaw. Một nguồn tin trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hôm 26/2 cho biết bà Suu Kyi bị đưa khỏi nhà tới một địa điểm bí mật từ 6 ngày trước.
Bà Suu Kyi đang đối mặt với các cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai khi tổ chức sự kiện vận động tranh cử năm ngoái. Cộng đồng quốc tế gọi những cáo buộc này là phù phiếm.
Trong phiên xét xử hôm nay, tòa bổ sung thêm hai cáo buộc đối với bà Suu Kyi theo một phần bộ luật hình sự thời thuộc địa về cấm công bố thông tin có thể “gây sợ hãi, báo động” hoặc phá vỡ “sự yên tĩnh nơi công cộng”. Phiên tòa tiếp theo diễn ra ngày 15/3.
Phiên tòa diễn ra khi cảnh sát ở thành phố Yangon sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình, một ngày sau vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính. Hiện chưa có báo cáo lập tức về thương vong.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng ngày 1/2, bắt bà Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự với lý do xảy ra gian lận trong bầu cử. Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình trong một tháng qua để phản đối đảo chính.
Trong cuộc biểu tình đẫm máu nhất xảy ra hôm 28/2, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết cảnh sát dùng đạn thật bắn chết ít nhất 18 người và khiến 30 người bị thương. Tuy nhiên, một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu tháng 11 cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong “ngày đẫm máu”.
Quân đội Myanmar chưa bình luận về vụ bạo lực, trong khi cảnh sát và phát ngôn viên quân đội cũng từ chối trả lời. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 270 người bị bắt hôm 28/2, trong tổng số 1.132 người bị bắt, truy tố hoặc kết án từ sau đảo chính.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cái ông gọi là “bạo lực ghê tởm” của lực lượng an ninh Myanmar, trong khi Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương đối với người dân là “kinh khủng”. Cả hai ngoại trưởng đều kêu gọi phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế.
Tom Andrews, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết quân đội nước này chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực, vì vậy cộng đồng quốc tế nên phối hợp phản ứng. Ông đề xuất lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những người đứng sau đảo chính, trừng phạt các doanh nghiệp quân đội và đưa sự việc lên Tòa Hình sự Quốc tế.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar. Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar, dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.
(Theo AFP, Reuters)