Lãnh đạo lựa chọn sinh mệnh chính trị hay “tính mạng” của người dân?
Người làm lãnh đạo sẽ lựa chọn sinh mệnh chính trị của mình hay chọn “tính mạng” của người dân? Đó có thể coi là một sự lựa chọn, nhưng sự lựa chọn này không đến mức “một mất, một còn” mà thực tế, người lãnh đạo có thể chọn cả hai…
Ấy là khi, họ đặt “tính mạng” của doanh nghiệp, của người dân lên trước hết, trên hết chứ không vì quá lo sợ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của cá nhân mình mà không dám hành động.
Có một câu châm ngôn, đại ý rằng “không thể cùng lúc ngồi trên hai cái ghế” vì nếu cùng lúc ngồi lên cả hai ghế, bạn sẽ ngã. Rất khó để chúng ta đạt được thành công khi cùng lúc nhắm vào quá nhiều mục tiêu, mà chỉ nên xác định một mục tiêu quan trọng nhất rồi hoàn thành những mục tiêu của mình một cách tuần tự.
Việc “giữ ghế” và “vì dân” thực ra không phải là hai mục tiêu trái ngược nhau. Tuy nhiên, nếu chần chừ, lưỡng lự và quá chú trọng vào việc phải “giữ ghế” cho an toàn thì lãnh đạo có thể sẽ lỡ mất thời cơ, vấp phải sai lầm và cuối cùng, có thể là “ghế” cũng không giữ nổi còn người dân và doanh nghiệp thì “lãnh đủ”.
Ông Vũ Trọng Kim – đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đã nhấn mạnh rằng, “trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu còn cao hơn mọi loại trách nhiệm, vì điều đó quyết định cho sự thành công hay thất bại của các hoạt động, nhiệm vụ”.
Trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi bản lĩnh của các lãnh đạo để biến suy nghĩ thành hành động, đây là dịp để người dân đánh giá cán bộ lãnh đạo, thông qua hành động chứ không phải nhìn vào việc người đứng đầu tỉnh, thành là ông này, bà nọ.
Hồi đầu tháng 9, đồng nghiệp của tôi khi thực hiện bài phản ánh về công tác chống dịch ở Vĩnh Phúc cho biết, trước khi bài viết lên trang, Chủ tịch tỉnh này từng tỏ ra rất e ngại liệu rằng, bài viết có khiến người khác hiểu nhầm rằng lãnh đạo tỉnh đang “làm màu” hay không.
Ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc lúc đó đã làm một việc chưa từng có tiền lệ, thậm chí vượt ra ngoài quy định, đó là trao cả thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh cho một tổ công tác để giải quyết các vấn đề cấp bách. Nước đi này của lãnh đạo Vĩnh Phúc rõ ràng là không theo “văn mẫu” nào!
Ngay từ rất sớm, Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân với 9 nội dung, trong đó có việc “chuyển trạng thái, công nhận tình trạng cấp bách về dịch bệnh” trên địa bàn tỉnh. Công nhận tình trạng cấp bách nghĩa là đồng ý trao quyền cho UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các cấp để quyết định các vấn đề, thậm chí là những việc vượt thẩm quyền, vượt ra ngoài các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo yêu cầu chống dịch.
Trong vài tháng, Vĩnh Phúc đã đình chỉ công tác tới 10 cán bộ các cấp, khởi tố đến 8 vụ liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là những con số chưa từng có tiền lệ.
“Chúng tôi kiên quyết quan điểm rằng không ai, không cán bộ nào được đứng ngoài cuộc, được thờ ơ và bàng quan với nhiệm vụ phòng chống dịch; tất cả những vi phạm phải xử lý triệt để, đúng theo quy định của pháp luật” – ông Thành cho hay.
Nhìn lại kết quả chống dịch ở Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh này – từ Bí thư đến Chủ tịch tỉnh – đã chứng minh lựa chọn của họ là đúng đắn và cần thiết. Không có gì là “làm màu” khi người lãnh đạo đặt lợi ích của doanh nghiệp, người dân lên trước nhất.
Nhớ lại năm 2020, Vĩnh Phúc là điểm “nóng” Covid-19 với ổ dịch đầu tiên đầu tiên ở Việt Nam (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên), sau đó là đợt bùng dịch tại quán karaoke Sunny (TP Phúc Yên) dịp 30/4-1/5. Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và thu hút đầu tư FDI rất mạnh, tập trung nhà máy, dây chuyền sản xuất lớn của như Toyota, Honda, Piaggio…, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, Vĩnh Phúc vẫn làm rất tốt việc “giữ tổ cho đại bàng”. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc ước tăng 9,62%, cao nhất trong vòng 10 năm qua, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước.
“Lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo trách nhiệm nếu để dân đói. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu kỷ luật trước tiên, ngay cả Bí thư tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm” – Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tuyên bố như vậy. Ông Lĩnh nói, sẽ từ chức nếu để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Tôi cho rằng, những địa phương có được đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ dám làm, xông xáo, sáng tạo như vậy sẽ không lo không vượt qua được khó khăn, thử thách. Thái độ của họ không thể hiện ở hình ảnh những chuyến thăm hình thức, mà là sự thấu hiểu được tâm tư của doanh nghiệp, người dân, từ đó có những cách làm đúng đắn trên thực tế.
Nhân dân rất công bằng, họ sẽ nhìn vào những nỗ lực thực sự của lãnh đạo, nhìn vào hành động chứ không vì những con số báo cáo, những giải trình nguyên nhân – kết quả khô khan trên giấy tờ hay là những tuyên bố hay ho, hùng hồn song lại trống rỗng.
Bích Diệp