Lãnh đạo Hải Dương: “Chúng tôi đã làm chủ được tình hình ở ổ dịch mới’
“Chúng tôi đã làm chủ được tình hình và tiếp tục thần tốc truy vết, xét nghiệm để xác định mầm bệnh cuối nhằm đánh giá về Kim Thành”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói.
Hôm 20/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận ổ dịch thứ 6 tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, với 6 ca mắc Covid-19 được phát hiện trong 2 ngày.
Thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã đánh giá ổ dịch ở Kim Thành nguy cơ cao không kém huyện Cẩm Giàng. Vì thế, ông Thăng đã phân công tổ công tác tại Cẩm Giàng do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản phụ trách, tăng cường chi viện cho Kim Thành.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi với Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản về các vấn đề ở ổ dịch xã Kim Liên.
Chặn dịch, dập dịch – Thưa ông, ổ dịch mới ở xã Kim Liên, huyện Kim Thành, đã trải qua 7 ngày phong tỏa để dập dịch, tình hình hiện tại ở đây thế nào?
– Suốt thời gian qua, Kim Thành là địa bàn tiếp theo của Hải Dương xuất hiện ổ dịch lớn, đặt ra những vấn đề khó khăn. Trong đó, Kim Thành có vị trí địa lý giáp ranh với Hải Phòng và có 2 khu công nghiệp lớn đang hoạt động đó là Lai Vu, Phú Thái với lực lượng lao động trên 30.000 người và 20.000 người ngoài khu công nghiệp.
Ổ dịch xảy ra ở xã Kim Liên với yếu tố dịch tễ cộng đồng. Vì thế, công tác phòng dịch ở đây gặp nhiều khó khăn, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng có thể rộng.
Từ đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và tổ công tác của chúng tôi cũng như Kim Thành đã tập trung đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở khoa học của ngành y tế để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc này nhằm khẩn trương khoanh vùng dập dịch để hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường.
Đến bây giờ, chúng tôi đã làm chủ được tình hình và tiếp tục thần tốc truy vết, xác định mầm bệnh cuối cùng nhằm làm cho môi trường sạch dịch bệnh.
– Ông có nói về những vấn đề khó khăn, cụ thể đó là gì và Ban Chỉ đạo của tỉnh, tổ công tác chi viện cũng như chính quyền địa phương đã giải quyết thế nào?
– Vấn đề lần này là dịch bệnh ở Hải Dương nói chung và Kim Thành nói riêng khác với tỉnh, thành phố khác. Đó là biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh lây lan rất nhanh trong thời gian ngắn. Công tác xử lý đòi hỏi phải chặn dịch và dập dịch chứ không thể đuổi theo dịch. Thứ hai, để làm điều đó cần có sức mạnh tổng hợp toàn dân. Ban đầu, việc này còn lỏng lẻo nhưng đến giờ chúng tôi đã huy động được.
Toàn dân, từng nhà, từng người, từng ngõ xóm, từng thôn, khu dân cư, các “Tổ Covid cộng đồng”, các lực lượng cấp xã, huyện đều được huy động tham gia với tinh thần đoàn kết, chung lòng để phòng chống dịch.
Từ đó, chúng tôi xác định, khoanh vùng, sàng lọc tất cả địa bàn thôn, khu dân cư, từng người dân để xét nghiệm. Từ đó, đánh giá được mức độ dịch bệnh từng khu vực.
Hiện nay, chúng tôi xác định vấn đề chủ yếu vẫn ở Kim Liên, các vùng khác cơ bản chưa phát hiện ra.
Ngoài ra, 2 doanh nghiệp có thể có yếu tố từng xuất hiện và có thể có nguy cơ liên quan những người ở khu công nghiệp này và ngoài khu công nghiệp. Đó là yếu tố dịch tễ khác, xuất hiện mầm bệnh ở địa bàn xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành liên quan xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà. Chúng tôi đã khẩn trương, thần tốc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn xã. Hôm nay, chúng tôi sẽ có kết quả để đánh giá cho Kim Thành.
– Ông có nói đến việc kêu gọi toàn dân đồng lòng và tham gia chống dịch, vậy biện pháp cụ thể là gì?
– Có những giải pháp chúng tôi đưa ra để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân vào cuộc. Có những biện pháp mang tính cấp bách, vận động. Trước hết, chúng tôi nâng cao tinh thần người dân thông qua hình thức tuyên truyền.
Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý hành vi vi phạm nhằm tạo ra sức mạnh để người dân thấy rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng không quá hoảng loạn và bình tĩnh để kiên cường với việc chống dịch trong tình hình đó. Không thể vì hoang mang lo sợ, làm mất đi sự tập trung, đoàn kết.
Chúng tôi cũng kiểm tra, giám sát các hệ thống từ huyện đến cơ sở, thành lập các vị trí, mỗi người làm tốt từng vị trí để tạo sức mạnh tổng thể.
– Sau ngày 2/3, tỉnh Hải Dương sẽ hết thời gian cách ly xã hội. Với tình hình hiện tại, Kim Thành nói riêng và một số nơi liệu có được kết thúc thời gian giãn cách đúng hạn?
– Theo tôi, tỉnh Hải Dương sau ngày 2/3 sẽ hết giãn cách với tình hình chung toàn tỉnh. Những xã không có mầm bệnh thì hết giãn cách được nhưng có vài điểm, khu dân cư có thể được tiếp tục khoanh vùng để dập dịch như ở Kim Thành, Cẩm Giàng. Số lượng chính xác chưa thể nói được nhưng tôi cho rằng là không nhiều.
Tri ân lực lượng y tế – Ông là Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh tế – xã hội. Vậy ông có thể cho biết về tình hình nông sản cần thu hoạch và tiêu thụ hiện nay của Hải Dương?
– Tống nông sản giá trị vụ này của Hải Dương khoảng 4.000 tỷ đồng, đã tiêu thụ được 50%. Đến 3/3, hết thời gian Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cần thu hoạch và tiêu thụ hơn 62.000 tấn rau củ các loại. Trong đó, cà rốt khoảng 30.000 tấn, (80% xuất khẩu); hành, tỏi trên 4.000 tấn, chủ yếu để bán tươi và sấy (chiếm 80%); rau các loại 16.000 tấn, củ đậu 5.500 tấn, ổi 2.200 tấn, chuối 4.800 tấn chủ yếu tiêu thụ trong nước. Đối với chăn nuôi còn khoảng 20.000 con lợn, sản lượng 2.150 tấn; 2 triệu con gia cầm, sản lượng 5.000 tấn. Thủy sản 3.350 ha ao nuôi và 2.000 lồng cá, sản lượng khoảng 20.000 tấn.
Dịch xảy ra với Hải Dương trong thời kỳ cận Tết, đúng thời kỳ thu hoạch nông sản. Đây là việc không có kịch bản từ trước khiến Hải Dương gặp khó khăn trong việc thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm gắn với phòng dịch.
Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân Hải Dương đã tập trung cao một số giải pháp và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan và sự giúp đỡ của tỉnh, thành bạn cùng người dân cả nước nên đến nay nông sản cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, việc tồn đọng vẫn còn. Dịch bệnh cũng khiến thu nhập của người dân qua sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
– Vừa qua, một số tỉnh, thành, trong đó có Hải Phòng đã đưa ra các biện pháp chặn dịch. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến vận chuyển nông sản của Hải Dương, ông đánh giá thế nào?
– Trước hết, tôi nói về Hải Phòng, đây là địa phương có biện pháp gây khó khăn nhất. Khi xuất hiện tình huống dịch, tỉnh, thành bạn cần có rào cản về mặt kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho phòng dịch.
Nhưng việc đó cần phải có sự chia sẻ và phối hợp một cách thực tiễn hơn, giúp Hải Dương thông thoáng hơn trong việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản.
Tôi cho rằng Hải Phòng thời gian qua đã làm quá cứng nhắc gây ảnh hưởng đến Hải Dương.
Hôm qua, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có văn bản để tháo gỡ việc này. Đến nay, việc vận chuyển nông sản cơ bản đã thông thoáng nhưng thế này là muộn.
– Ông cho rằng việc tháo gỡ là muộn. Vậy điều này đã ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
– Nông sản của Hải Dương có đến 80-90% lượng hàng xuất khẩu, trong đó có cà rốt xuất khẩu qua cảng Hải Phòng. Nếu không qua được, nông sản sẽ tồn đọng ở thị trường trong nước, đặc biệt ở lại Hải Dương.
Việc tiêu thụ qua xuất khẩu gặp khó khăn thời gian dài vừa qua. Bởi nếu không giao hàng đúng hạn, đối tác nước ngoài sẽ hủy hợp đồng.
Mới đây, phía Hàn Quốc đã có động thái dỡ bỏ việc cấm nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cà rốt Hải Dương. Đây là tín hiệu rất mừng cho bà con.
Vừa qua, có một số tỉnh, thành khác như Hà Nội và nhiều nhà hảo tâm, người dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân Hải Dương tiêu thụ nông sản.
Thay mặt bà con, tôi xin được cảm ơn sâu sắc nhất đối với sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ đó. Việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của họ đã tạo ra sự đoàn kết toàn dân để chúng tôi có sức mạnh, tập trung vào phòng chống, ngăn chặn, dập dịch một cách nhanh nhất.
– Hôm nay là 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng những chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và toàn thể các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang miệt mài với công tác chống dịch, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương. Ông muốn gửi gắm điều gì đến họ?
– Trước hết, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ đối với công lao đóng góp của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Họ là những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch.
Suốt thời gian dài qua, họ đã ngày đêm, không quản ngại khó khăn, tâm huyết, miệt mài cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Dương trong công tác phòng chống dịch. Những việc làm đó là những nghĩa cử cao đẹp trong hành động, đời sống gắn với công việc của mình.
Nhân ngày này, chúng tôi xin được bày tỏ sự tri ân, biết ơn đối với cán bộ, thầy thuốc đã giúp Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hải Dương cũng như cả nước trong công tác phòng chống dịch.
Nguyễn Dương