‘Lãnh đạo có con nâng điểm đưa người thân ra chịu tội thay để tiến thân’
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, nếu cơ quan tố tụng chấp nhận những lời giải thích kiểu lấy người thân ra chịu tội thay để mình trong sạch và tiếp tục tiến thân, có thể sẽ bỏ lọt tội phạm.
Góp ý tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2019 tại nghị trường sáng 4.11, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhắc lại vấn đề xử lý vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 mà đại biểu này đã đề cập tại kỳ họp trước.
Theo ông Cương, một số đại biểu cho rằng, rất có khả năng những năm trước cũng đã xảy ra gian lận thi cử nhưng chưa bị phát giác, dù nhận định như vậy là chưa đủ cơ sở.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được các đối tượng thực hiện một cách chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn và có tổ chức thì hoàn toàn có lý do để có thể kiến nghị mở rộng điều tra kỳ thi của những năm trước nữa.
“Một số đại biểu tỏ sự đồng tình rất cao, khi có thông tin các cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra đối với kỳ thi ở những năm trước”, ông Cương nêu.
Về việc xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Cương cho biết, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có ý kiến cử tri cho rằng phải xử lý đúng đối tượng, phải tâm phục, khẩu phục và việc xử lý trong thời gian vừa qua còn có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ.
“Tôi cho rằng, các cơ quan điều tra xét xử có thể sẽ bỏ lọt tội phạm khi chấp nhận lời giải thích nói như đùa của một số lãnh đạo địa phương khi có con được nâng điểm theo kiểu đưa người thân ra để chịu tội thay, bản thân thì coi như vô can, trong sạch và tiếp tục trên con đường tiến thân”, ông Cương nói, đồng thời cho rằng, việc các cơ quan tố tụng cấp tỉnh tiến hành xử lý đối với vụ việc mà đối tượng liên quan là lãnh đạo của chính tỉnh đó thì rất khó đảm bảo sự khách quan.
“Đề nghị các ngành chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xét xử cho đúng người, đúng tội”, đại biểu tỉnh Ninh Thuận đề nghị.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 37, góp ý vào Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, người dân phản ánh nhiều đến việc xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018, trong đó đặc biệt là vụ tiêu cực thi cử xảy ra ở Hà Giang.
“Sau khi có kết quả kiểm điểm của Tỉnh ủy, người dân phản ánh cách chúng ta xử lý trách nhiệm và không đồng tình, vì cho rằng chúng ta xử lý không đúng đối tượng”, ông Phúc nói, đồng thời đề nghị xử lý đúng đối tượng để người dân tâm phục, khẩu phục. Như vừa qua, theo ông Phúc, có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ.
Liên quan tới vụ việc gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại các địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, tới nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án, trong đó 2 vụ án tại Hà Giang và Sơn La đã được đưa ra xét xử.
Tại Hà Giang, ngày 25.10, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt mức án từ 1 đến 8 năm đối với 5 bị cáo. Trong khi đó, tại Sơn La, Tòa án nhân dân tỉnh này đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hành vi đưa và nhận hối lộ.
Liên quan tới xử lý các cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm, tới nay cả 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La đã kỷ luật hàng trăm cán bộ, đảng viên liên quan.
(Theo Thanh Niên)