+
Aa
-
like
comment

Lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố chung, quan ngại về các diễn biến trên Biển Đông

20/11/2020 17:33

Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại với các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm tôn tạo, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, phương hại hòa bình, an ninh, ổn định khu vực…

Duy trì vị trí trung tâm của ASEAN

Sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 kết thúc, ngày 20.11, Bộ Ngoại giao đã chính thức phát đi Tuyên bố Chủ tịch Cấp cao ASEAN 37 với 28 trang (bản tiếng Việt), gồm 88 điểm.

Trong đó, có thể kể một số nội dung chính sau:

Các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tiếp tục nỗ lực duy trì đà xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; đánh giá cao các nỗ lực thực hiện các ưu tiên đề ra trong năm 2020, nhằm cụ thể hoá chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” và hiện thực hoá “Tuyên bố tầm nhìn của các Nhà lãnh đạo ASEAN…”.

Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết củng cố đoàn kết và thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp, dựa trên luật lệ, đóng góp vào hoà bình, an ninh, ổn định của khu vực; củng cố liên kết kinh tế, kết nối khu vực, nâng cao bản sắc ASEAN và hiệu quả bộ máy, tổ chức của ASEAN, nâng cao khả năng tự cường và năng lực thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo ASEAN quan ngại về các sự cố nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông /// Ảnh Ngư dân cung cấp
Các nhà lãnh đạo ASEAN quan ngại về các sự cố nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

Các nhà lãnh đạo ghi nhận những biến động chiến lược phức tạp, nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế cùng sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống và những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường các nỗ lực tập thể nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, giải quyết các mối đe dọa từ dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững, thông qua triển khai các sáng kiến đã được đưa ra (trong đó có một số sáng kiến nổi bật của chủ nhà Việt Nam – PV).

Về chính trị – an ninh, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định cũng như thúc đẩy các giá trị hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.

Các nhà lãnh đạo đề cao tầm quan trọng của duy trì một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ và bao trùm với ASEAN đóng vai trò trung tâm… tiếp tục tập trung nỗ lực hợp tác nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác biển, hợp tác ngoại giao và quốc phòng, tăng năng lực ngoại giao phòng ngừa…

Về kinh tế, mặc dù lo ngại về một cuộc suy thoái chưa từng có trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo khẳng định ASEAN vẫn duy trì được các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và cam kết hợp tác giảm thiểu các tác động kinh tế từ Covid-19, giữ thị trường rộng mở và tiếp tục xây dựng khả năng phục hồi và cạnh tranh chung của khu vực, hướng tới sự phục hồi nhanh chóng trong năm 2021…

Quan ngại về các sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định, trong bối cảnh môi trường chiến lược biến động phức tạp, khẳng định ASEAN tiếp tục thể hiện sự chủ động, vai trò trung tâm, khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với khu vực; bày tỏ quan ngại với các diễn biến, bao gồm việc bồi đắp, tôn tạo, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, phương hại hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; nhấn mạnh cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hay gia tăng tranh chấp; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh các nỗ lực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc và nỗ lực đàm phán COC ngay trong bối cảnh có dịch Covid-19; nhấn mạnh việc tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa cũng như tầm quan trọng của hợp tác thực tiễn cùng có lợi; nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới đạt được COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở duy nhất để xác định các quyền được hưởng trên biển, quyền chủ quyền, tài phán và lợi ích chính đáng trên biển, và UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất mà mọi hoạt động trên biển phải tuân theo….

Vai trò dẫn dắt của Việt Nam được đánh giá cao

Làm Chủ tịch ASEAN trong một năm nhiều biến động, vai trò dẫn dắt của Việt Nam đã được quốc tế và khu vực đánh giá cao.

Trên tờ Asean Today, GS Liu Ying, chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, đánh giá Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều phối và dẫn dắt các hoạt động của khối trên cương vị Chủ tịch của ASEAN.

Việt Nam đã nỗ lực để đảm bảo các cuộc họp ASEAN diễn ra an toàn, đóng góp vào sự phát triển của khối trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, chính trị và y tế.

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cũng cho biết: “Vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam rất mẫu mực. Mặc dù phải đối phó với các thách thức Covid-19 trong nước và thiên tai, Việt Nam đã có khả năng lãnh đạo trong việc giữ cho khu vực gắn kết và ứng phó với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân làm trọng tâm ”.

Alison Mann, quan chức cấp cao của New Zealand về APEC, cho biết New Zealand đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đầy thách thức và bất thường. Bà Alison Mann nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng” là phù hợp nhất trong bối cảnh những thách thức hiện nay do Covid-19 đặt ra.

Đáng chú ý, tại hội nghị lần này, Hiệp định RCEP đã được ký. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho rằng “Việc ký kết Hiệp định RCEP là một sự kiện lịch sử, vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực và 8 năm đàm phán. RCEP sẽ tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết để phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay”.

Theo Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEP, đây là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác của ASEAN với các đối tác khu vực.

“Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng RCEP vẫn là một thỏa thuận mở và bao trùm. Hơn nữa, chúng tôi đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong RCEP và nhắc lại rằng RCEP vẫn mở đối với Ấn Độ… RCEP để mở để Ấn Độ gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực”, Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN viết.

Vũ Hân/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều