Làng cổ Cự Đà – Nơi lưu giữ nét xưa
Nép mình bên dòng sông Nhuệ, ẩn sâu sau khu đô thị Thanh Hà, làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn giữ được cho riêng mình vẻ đẹp yên bình, cổ kính của ngôi làng ven sông quen thuộc vùng Bắc bộ trước thách thức của đô thị hóa.
Mỗi khi nhắc đến Hà Nội, du khách thường nghĩ ngay đến những góc phố quen thuộc của “băm sáu phố phường”, hồ Hoàn Kiếm thơ mộng và những món ăn gắn liền với tuổi thơ nhều người dân Hà thành. Tuy nhiên, Hà Nội còn có những điều khiến ai đặt chân lên mảnh đất này đều có cảm giác như được đi ngược thời gian về quá khứ.
Làng cổ Cự Đà ở đâu?
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, xã cực Bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội, là một trong những làng cổ truyền thống từ xa xưa. Nằm bên bờ sông Nhuệ yên bình, làng Cự Đà còn lưu giữ vẹn nguyên dấu ấn của làng quê Việt Nam với mái đình, cây đa, bến nước, đặc biệt là lối kiến trúc kiểu Pháp còn sắc nét. Và, không chỉ nổi tiếng với không gian văn hóa độc đáo, làng cổ Cự Đà còn được du khách biết đến bởi nghề truyền thống làm miến và làm tương.
Làng cổ Cự Đà – nét rêu phong còn vương vấn mãi
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố của lịch sử, làng cổ Cự Đà dường như vẫn giữ được nét vẹn nguyên thuở ban đầu. Với hàng chục ngôi nhà được thiết kế theo nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ xen kẽ trong đó là những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, Cự Đà khiến du khách ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Với những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và lối kiến trúc cổ xưa thì Cự Đà là một lựa chọn không thể bỏ qua. Muốn vào tham quan ngôi làng, bạn phải đi qua cổng làng. Cổng được xây bằng gạch chắc chắn, uy nghiêm, là một chứng tích thu nhỏ của thời gian. Bước qua cổng làng, một hệ thống nhà với đường, ngõ ngách như xương cá.
Đường làng thông với các con ngõ, nối liền các ngôi nhà. Vậy nên nào nhà nấy trước mặt đều là ngõ nhỏ, đi qua ngõ là đường làng. Nếu bạn để ý một chút thì sẽ phát hiện ra một đều đặc biệt đây là ngôi làng cổ hiếm hoi ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm.
Những ngôi nhà được xây bằng gỗ ba gian, năm gian lợp ngói đỏ nay đã phai màu theo năm tháng, rêu đã bám đầy trên những bức tường tạo nên nét cổ kính, trầm mặc. Nhiều nhà hiên trước cuốn hình mui thuyền, cửa và các chi tiết được chạm khắc tinh vi. Theo năm tháng những bức tường nhiều mảng đã bị bong tróc vôi vữa, để lại lớp gạch đỏ màu sắc vẫn còn tươi nguyên. Đến đây, du khách tưởng như quay trở lại thời gian hàng trăm năm trước.
Tản bộ dọc trên đường làng, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp thuộc. Nhìn từ bên ngoài nổi bật và đặc trưng là kiểu hiên vòm độc đáo, bên trên được trang trí bởi những họa tiết đắp nổi đặc sắc, hoa văn ngọt ngào cầu kì đến từng chi tiết.
Bất cứ ai khi đặt chân đến Cự Đà lòng không khỏi lâng lâng, làng quê Việt Nam hàng trăm năm trước như hiện diện lại trước mắt du khách với nếp sống giản dị, cuộc sống yên bình gắn với con sông, cây đa, bến nước. Vẻ đẹp trầm mặc của ngôi làng cùng khung cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây khiến lòng an nhiên đến lạ. Cái bình dị, ấm áp, gần gũi của Cự Đà như một phần thân thuộc đã gắn bó từ lâu trong tiềm thức mỗi chúng ta.
Cự Đà – làng nghề truyền thống nổi tiếng
Đến Cự Đà, du khách không chỉ được khám phá nét cổ kính của ngồi làng, mà còn được tận mắt chứng kiến quá trình làm miến, làm tương là những sản phẩm truyền thống của làng Cự Đà.
Nghề làm miến nức danh
Vào những ngày nắng đẹp, dọc trên những con đường làng Cự Đà sóng sánh sắc vàng của miến. Nhìn từ xa, cả ngôi làng như được khoác lên một màu vàng óng ánh huyền ảo. Những sợi miến phơi trên hiên nhà rũ xuống, lấp lánh như những sợi tơ trong nắng thu.
Miến Cự Đà làm bằng bột dong riềng, được tráng thành từng bánh hấp chín rồi đem phơi. Sau khi bánh đủ độ khô và dẻo, sẽ được mang đi thái sợi rồi lại được phơi khô, sau đó cuộn thành những cuộn nhỏ đóng gói mang đi tiêu thụ.
Miến Cự Đà ngon nức tiếng bởi độ ngon, dai và mùi thơm đặt trưng của bột dong riềng khó nơi nào có được. Nếu đến đây vào buổi sáng, du khách sẽ thấy khung cảnh nhộn nhịp của người dân nơi đây. Người bưng các phên bánh miến gác vào các băng gỗ bên đường, người mang miến ra phơi, người lại chở miến đi giao. Cuộc sống bình dị nhưng đong đầy niềm vui.
“Tương Cự Đà – cà làng Đám”
Có lẽ người dân Thủ đô cũng như cả nước đều biết đến độ nổi tiếng thơm ngon của tương Cự Đà qua câu ca dao “Tương Cự Đà – cà làng Đám”. Nghề làm tương gia truyền ở Cự Đà đã có từ bao đời nay, một thứ tương có mùi hương đặc trưng và hấp dẫn. Tương Cự Đà được làm từ bốn nguyên liệu chính là đậu tương, gạo nếp, nước mưa và muối trắng.
Phải bàn tay người Cự Đà thì làm chum tương mới đúng vị và thơm ngon được. Tương làm từ khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 là ngon nhất, vì thời điểm này thời tiết thuận lợi, nắng đẹp làm cho những mẻ tương thơm ngon và dậy mùi hơn.
Trước đây, nhà nào cũng có một chum tương trong nhà để phục vụ cho bữa ai ăn hằng ngày của gia đình. Nhưng từ khi thứ “tài sản” quý báu của người xưa để lại này nức tiếng xa gần thì mỗi gia đình không chỉ làm tương để ăn mà còn bán ra các tỉnh lân cận. Dưới ánh nắng của ngày thu tháng 8, bóng của những người làm tương đổ dài trên nền gạch, trong không gian yên tĩnh, mùi thơm quyến rũ nồng nàn tỏa khắp làng quê.
Không gian Cự Đà như lắng động, nhẹ nhàng trôi khiến người ta không kịp nhận ra ngoài kia là cả một cuộc sống vội vã xô bồ. Bất cứ ai khi đến làng cổ Cự Đà đều không khỏi ấn tượng trước vẻ đẹp cổ kính còn nguyên dấu thời gian của ngôi làng. Đằng sau những sản vật của quê hương như bó miến, lọ tương là nét chân chất, giản dị của người dân thôn quê.
Thời gian vốn dĩ không chờ đợi ai, một khi đã đi qua rồi thì không thể quay trở lại, nhưng thời gian khắc lên bao dấu ấn khó phai trên những hình hài mà nó đi qua. Làng cổ Cự Đà đẹp, cổ kính, trầm mặc như chính dấu chân của thời gian. Nếu bạn muốn đến một nơi thời gian trôi qua chậm, sao không đến Cự Đà trong chuyến du lịch Hà Nội sắp tới.
Huyền Ly/K365