‘Làng Chanchu’ trước bão Molave
Hầm hào kiểu thời chiến được dựng lên để người dân xã biển Bình Minh, huyện Thăng Bình trú tránh khi” cơn cuồng phong” Molave dự kiến tràn vào ngày 28/10.
“Hay má ở lại trông nhà, còn bàn thờ ba con nữa. Má cứ ngồi im trong nhà, núp dưới giường, chắc không răng mô”, 12 tiếng trước khi cuồng phong được dự kiến đổ bộ vào Đà Nẵng – Phú Yên, bà Trần Thị Chung chần chừ không muốn đi sơ tán. Nhưng con gái Lê Thị Kim Oanh níu lấy áo, bảo: “Má phải đi với con. Ăn cơm sớm rồi má con đi lẹ”.
Phía ngoài, loa phát thanh vang liên tục, giục giã người dân di dời đến nơi kiên cố, trụ sở xã, trường học, nhà mái bằng đổ bêtông. Hàng xóm hối hả neo buộc nhà cửa, ôm đồ đi tránh bão. Ngoài đường, dân quân, công an xã đi vận động người dân đi sơ tán tập trung.
Bà Chung ngả nón, ngồi trước căn nhà trống. Cánh cửa chèn đã han gỉ trước những trận gió biển thổi. Gian chính giữa không đặt thứ gì ngoài bàn thờ chồng. Ông Lê Thanh Tùng, chồng bà nằm trong số 86 ngư dân Bình Minh mất tích khi bão Chanchu quét trúng vùng biển bắc Hoàng Sa, tháng 5 năm 2006. Sau bão, xã Bình Minh có 86 goá phụ và một ngày giỗ chung 20/4 âm lịch. Xã biển từ đó gắn với cái tên mà không người dân nào muốn nhớ đến – “làng Chanchu”.
Có năm bão đến, bà vừa buộc lại cánh cửa sổ bị gió thổi tung thì mái nhà bị gió lốc từng mảng fibro hất tung lên trời. Nước mưa đổ xuống ào ào. Hai mẹ con chỉ kịp ôm nhau chạy vào toilet, ngồi trong đó suốt đêm. Từ đó, nghe tin đài báo bão là làng xóm bắt hai mẹ con đi tránh trú. “Nhà có cái vỏ chứ có chi mô mà phải giữ”, họ nói.
Lần này nghe lời con gái, buổi tối ăn cơm xong, hai mẹ con sẽ gói gém quần áo, mùng mền, dắt túi dăm gói mì tôm, tìm đến những nhà hai tầng, hoặc có mái bằng trong thôn trú bão. Từ trưa, người em trai ở xã Bình Đào, cách 4 km đến buộc giúp bà Chung 20 bao cát. Hai chị em chăng dây thừng, cố néo giữ lại cái mái tôn mới bắn hết 7 triệu đồng, làm nơi bán cháo vịt. Gian nhà chính lợp fibro xi măng đã giòn bục, thủng lỗ chỗ, không ai dám trèo lên, sợ vỡ mái nhà, ngã xuống lại què chân.
Cách đó hai nhà, bà Nguyễn Thị Cảnh hướng đôi mắt mờ đục nhìn ra ngoài trời lặng gió. Những phụ nữ làng chài như bà, biết “trời càng lặng gió, bão càng to”. Nhưng bà không muốn đi khỏi nhà mình, dù mái nhà đã xơ xác qua bao mùa bão biển và bên trong chỉ có bàn thờ và một chiếc giường. 10 ngày trước, nước lụt mấp mé chân giường, bà kê bếp than lên nóc chum, lội nước nấu ăn, quyết không rời khỏi nhà.
Bà cụ 81 tuổi mất hai con trai trong bão Chanchu. Con dâu cả sốc sau cái chết của chồng đã hoá lẩn thẩn, qua đời mấy năm sau đó. Một mình bà Cảnh, dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, nuôi 5 đứa cháu cả nội lẫn ngoại lớn khôn. Không ai trong số đó muốn theo nghề biển của cha ông. Lũ trẻ đi làm thuê tận Đà Nẵng, mấy hôm nay vẫn gọi điện về ời ời, hỏi bà nội đã chịu đi sơ tán chưa.
Chiều nay, người cháu trai sống ở nhà bên cạnh, lấy dây thừng chằng từ ngoài cổng, ròng qua các cột sắt, buộc ra tận sau bể nước để giữ lấy khung sắt của ngôi nhà. Anh lấy thêm gạch vồ, gậy tre chống cửa chính, cửa sổ. Xong xuôi, anh vơ vài bộ quần áo của người già, giao cho người thím, dặn nhất quyết phải đưa bà nội đi sơ tán an toàn. Bà Cảnh ôm quần áo, khóc một hồi, rồi mới chịu đi.
Trước thông tin cơn cuồng phong Molave với sức gió lên đến cấp 17, người Bình Minh không có cách nào khác để giữ lại ngôi nhà của mình, ngoài chằng buộc bằng dây thừng, dựng cây tre, cột gỗ, chèn bao cát cho gió khỏi thổi tốc mái. Ở vùng này, đôi khi những hầm hào như kiểu thời chiến được dựng lên, để người dân trú tránh cho qua cơn bão.
Nằm cách biển 300 mét, 8 người trong nhà của bà Nguyễn Thị Mau, 66 tuổi, quyết định không đi sơ tán mà làm hầm trú ẩn ngay cạnh nhà. Chiều 27/10, anh Phạm Tuấn, con trai bà, xúc cát cho vào bao. Ông Phạm Hồng Diện, chồng bà Mau, bê ván, đá tảng chắn lên nóc hầm. Căn hầm rộng khoảng 5 m2 sẽ là nơi trú ẩn của gia đình tám người, gồm vợ chồng bà Mau, vợ chồng con trai, hai đứa cháu nội và hai anh con trai bị tâm thần. Con dâu mua hai thùng mì gói, 5 lốc nước lọc lẫn nước ngọt để cả nhà ăn cho qua cơn đói, chờ bão tan.
“Gió bão dỡ nguyên cả mái, không ngôi nhà nào còn lành lặn. Rặng phi lao quanh nhà cụt sạch ngọn. Không trú dưới hầm chắc gió thổi bay”, bà Mau nhớ lại cảnh tượng lúc chui ra khỏi hầm, sau cơn bão Xangsane năm 2006.
Bà Mau nhẩm tính, đây là lần thứ ba từ sau ngày thống nhất, gia đình bà xuống hầm trú ẩn. Đó là những ngày đi qua cơn bão năm 1999, bão Xangsane năm 2006 và bão Molave chuẩn bị đổ bộ vào rạng sáng ngày mai.
Bà nói rằng người Bình Minh bắt đầu biết sợ bão từ năm 2006, khi trong vòng một năm hứng hai cơn bão, Chanchu và Xangsane cách nhau chỉ đúng 5 tháng. Năm ấy, ông Diện đi đánh bắt gần bờ, thoát bão Chanchu. Nhưng gia đình bà cũng mất hai đứa cháu sau bão.
Thời chiến tranh, những căn hầm công sự từng giúp gia đình bà thoát thân trước trận càn của địch, lần này bà tin căn hầm sẽ giúp an toàn trong bão. Đó là lý do ông bà quyết tâm đào hầm trong khi loa xã thông báo người dân di tản đến nơi kiên cố.
Xã Bình Minh có hơn 2.000 hộ với hơn 8.000 dân cư. Chính quyền dự kiến đưa 242 hộ với 755 nhân khẩu nằm ở sát biển, nhà không kiên cố đi sơ tán đến nơi an toàn.
Bão Molave hình thành sau bão Saude, hôm 25/10. Bão Molave quét qua Philippines khiến ít nhất hai người chết và 19 người mất tích, nhiều ngôi làng ngập trong nước lũ và gần 100.000 người dân phải sơ tán. Sau khi quét qua Philippines bão tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông.
Molave được dự báo là “cơn cuồng phong” khi đổ bộ vào Đà Nẵng – Phú Yên vào ngày 28/10. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/h), giật cấp 17.
Hoàng Phương/VE