Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị bàn các giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực được định hướng phát triển thuận thiên, thích ứng biến đổi khí hậu.
Sáng 13/3, Chính phủ tổ chức hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ. Chỉ trong chưa đầy 5 năm, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị dành riêng để định hướng phát triển vùng này. Mục tiêu là vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phát triển trở thành vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2017, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị lần đầu tiên và đưa ra định hướng phát triển vùng đồng bằng theo hướng thuận tiên, nghĩa là tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững. Đồng chủ trì hội nghị lần này còn có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng hai Phó thủ tướng Trương Hoà Bình và Trịnh Đình Dũng. Hội nghị nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế như WB, UNDP, IMF; đại sứ một số nước như Australia, Thụy Sĩ, Hà Lan… Lãnh đạo nhiều Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… cũng có mặt. Dự hội nghị còn có lãnh đạo 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh là Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân. Toàn vùng hiện có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước… Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kinh tế vùng vẫn phát triển khiêm tốn so với tiềm năng. Nhiều tỉnh mong muốn Chính phủ có những chính sách, sự đầu tư hơn nữa cho sự phát triển về kinh tế, xã hội, giao thông, hạ tầng… Trong ảnh là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh miền Tây có vị trí và vai trò chiến lược quan trọng. Vùng chiếm 12% diện tích cả nước, 19% dân số, 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70 sản lượng trái cây… Ngân hàng Thế giới đánh giá khu vực này chiếm 2% sản lượng gạo thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững “vùng đất 9 rồng”, tạo thành vùng kinh tế động lực quan trọng cho đất nước. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải hành động nhanh hơn, nhất là trong 5 năm tới, trong đó chủ trương phát triển thuận thiên, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện tại, tổng số vốn mà các đối tác cam kết là 1,53 tỷ USD để hỗ trợ thêm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thiện và khép nối tối đa tuyến đường giao thông, đường ven biển, các cầu của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhắc tới con số, năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Ông cũng đánh giá doanh nghiệp và người dân đều chuyển động, 13 tỉnh thành có những chỉ đạo rất quyết liệt. Chính phủ đặt mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, đây sẽ là vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước. Phạm Ngôn – Thuận Hiếu