Làn sóng Omicron khiến dịch ‘bùng nổ chưa từng thấy’ ở Mỹ
Các chuyên gia y tế tại Mỹ lo ngại làn sóng lây nhiễm đầu năm 2022 hoàn toàn khác biệt với so với phần còn lại của đại dịch. Sự lây lan nhanh chóng của Omicron, khiến người Mỹ đứng trước những khó khăn chưa từng có kể từ đầu dịch.
Ông James Phillips, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học George Washington, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến số bệnh nhân gia tăng một lần nữa. Điều này chưa từng có tiền lệ”. Ông khẳng định rằng người Mỹ cần đề phòng bởi “những thách thức sắp tới có thể rất nghiêm trọng”.
Ngay cả các nhân viên y tế cũng chịu tác động từ sự gia tăng nhanh chóng của biến chủng Omicron – loại virus SARS-CoV-2 mới và dễ lây lan nhất đang tấn công hầu khắp đất nước.
“Hệ thống y tế của chúng ta đang ở một tình thế rất khác so với những đợt bùng phát trước đây”, bà Esther Choo, nhà nghiên cứu tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, cho biết.
“Chủng này có khả năng lây lan cao đến mức rất nhiều đồng nghiệp đang bị nhiễm hoặc có các triệu chứng nhiễm bệnh và bị cách ly. Chúng tôi đã mất ít nhất 20% lực lượng nhân viên của mình. Thậm chí con số có thể nhiều hơn nữa”, bà Choo khẳng định.
Cảm giác an toàn sai lầm với Omicron
Hơn một triệu người ở Mỹ được chẩn đoán mắc Covid-19 vào ngày 3/1, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Biến chủng lây nhiễm nhanh Omicron đã đẩy số ca mắc tăng cao kỷ lục và lớn hơn con số của bất cứ nước nào trong hai năm đại dịch vừa qua, Bloomberg đưa tin ngày 4/1.
Số ca mắc mới trong ngày 3/1 cao gần gấp đôi kỷ lục được thiết lập 4 ngày trước tại Mỹ là 590.000 ca. Kỷ lục cũ vốn dĩ đã cao gấp đôi so với một tuần trước đó. Ngoài ra, số ca nhiễm trong ngày 3/1 của Mỹ cũng cao hơn gấp đôi so với con số của các nước ở mọi thời điểm.
Số ca mắc cao nhất bên ngoài nước Mỹ được ghi nhận trong đợt bùng phát Delta của Ấn Độ, với hơn 414.000 người trong ngày 7/5/2021.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng Omicron có thể gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn biến chủng Delta – chủng virus vẫn chiếm một phần đáng kể các ca bệnh tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden, số ca nhập viện do Covid-19 có thể tăng lên bởi Omicron dễ lây cho nhiều người hơn.
Thậm chí, Omicron có thể gây ra nhiều vấn đề hơn đối với hệ miễn dịch của trẻ nhỏ, ông Scott Gottlieb, cựu thành viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ, cho biết.
“Biến chủng Omicron dường như là một dạng nhẹ hơn của Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ – đối tượng hay gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến các cơ quan như mũi và họng”, ông Gottlieb nói.
Trong thời điểm hàng triệu học sinh Mỹ chuẩn bị trở lại trường học, số ca nhập viện của bệnh nhi Covid-19 đã tăng kỷ lục.
Trở lại tuần cuối cùng của tháng 12/2021, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ cho biết trung bình 378 trẻ vào viện mỗi ngày do Covid-19. Mức tăng này cao hơn 66% so với một tuần trước đó, vượt qua mốc đỉnh 342 trường hợp/ngày giữa làn sóng Delta ghi nhận vào đầu năm học.
Ông Peter Hotez, chuyên gia nhi khoa tại Đại học Y khoa Baylor tại Houston, nói dường như một số trường muốn hoãn việc học trực tiếp do lo ngại về chủng Omicron. “Sắp tới, thách thức do Omicron gây ra cho các trường học có thể rất lớn. Người ta có thể thận trọng hơn nếu hoãn các kế hoạch thêm vài tuần nữa”, ông Hotez nói.
“Đó sẽ là một khoảng thời gian rất thử thách”, ông Hotez nói. “Mọi người sẽ phải kiên nhẫn”, ông khẳng định.
Ở thành phố Atlanta (bang Georgia), nhiều trường học đã lên kế hoạch học trực tuyến. “Do sự gia tăng số ca nhiễm, học sinh sẽ bắt đầu học trực tuyến từ ngày 4/1 đến ngày 7/1”, một cơ sở giáo dục ở Atlanta thông báo hôm 1/1. Thậm chí, “kế hoạch của chúng tôi là tiếp tục dạy học trực tuyến đến ngày 10/1”, địa điểm này cho biết.
“Omicron ở khắp mọi nơi”
Trên cả nước, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, hoạt động giao thông cũng như các dịch vụ khẩn cấp.
Bà Megan Ranney, chuyên gia tại Đại học Brown, cho biết: “Omicon thực sự có mặt ở mọi nơi”.
“Điều tôi lo lắng trong hơn một tháng tới là nền kinh tế Mỹ có thể sẽ bị đình trệ – không phải vì chính sách của nhà chức trách, mà là vì rất nhiều người dân mắc bệnh”, bà Ranney nói.
Tại New York, các vấn đề về nhân sự buộc bộ phận quản lý phải ngừng một số tuyến tàu điện ngầm. Các dịch vụ y tế khẩn cấp cũng sẽ ưu tiên những người có triệu chứng nặng để đảm bảo đủ lực lượng.
Tại Ohio, thị trưởng thành phố Cincinnati đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, khiến lực lượng cứu hỏa của thành phố thiếu nhân sự trầm trọng.
Theo các chuyên gia, phần lớn bệnh nhân mắc Covid-19 chưa được tiêm chủng. Họ khẳng định người được tiêm vaccine Covid-19 ít có khả năng mắc triệu chứng nặng hơn người chưa tiêm.
Theo số liệu của CDC, chỉ có khoảng 62% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ. Và khoảng 33,4% trong đó đã được tiêm liều nhắc lại.
“Chúng tôi ghi nhận người mắc Covid-19 đã được tiêm chủng đa phần vẫn khỏe, còn những người buộc phải nhập viện thường chỉ trong thời gian ngắn và có thể ra viện sau vài ngày”, bà Catherine O’Neal, lãnh đạo một trung tâm y tế địa phương ở Louisiana, cho biết.
Ông William Schaffner, chuyên gia tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, khẳng định: “Đối tượng chưa tiêm phòng vẫn là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất”.
“Những người trưởng thành nhập viện tại đây phần lớn vẫn tiếp tục chưa được tiêm chủng”, ông Schaffner cho biết.
(Theo Bloomberg)