Làn sóng lây nhiễm thứ hai đe dọa Trung Quốc, thử thách quan hệ Nga-Trung
Nga hiện đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc với vai trò là nước láng giềng thân cận, không thể nào ngồi yên trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát do công dân trở về từ Nga.
Tờ SCMP đánh giá quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang đối mặt với nhiều sức ép vì đại dịch Covid-19. Hai quốc gia láng giềng đã cùng cam kết chống dịch, cùng phản đối những lời chỉ trích của Washington nhằm vào Bắc Kinh.
Nhưng với hơn 280.000 ca nhiễm Covid-19, Nga đang tỏ ra bất lực trong việc kiểm soát đại dịch, đe dọa nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai của Trung Quốc.
Các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với Nga gần đây liên tục xuất hiện các ca lây nhiễm mới. Tỉnh Hắc Long Giang ghi nhận 380 ca nhiễm có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là người trở về từ Nga.
Kể từ tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có 3 lần điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để cùng thống nhất phương án chống dịch.
Nhưng các nhà quan sát cho rằng Nga đang gần gũi với Mỹ hơn khi ông Putin trò chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump 6 lần trong cùng giai đoạn trên.
Ông Putin và ông Trump cùng ra tuyên bố chung vào ngày 26.4, ngày kỷ niệm 75 năm binh sĩ Liên Xô và Mỹ lần đầu gặp nhau trong Thế chiến 2 ở bờ sông Elbe.
Tuyên bố thể hiện lập trường rằng “tinh thần Elbe” là ví dụ điển hình cho việc hai quốc gia gác lại sự khác biệt, xây dựng niềm tin và cùng hướng về những điều lớn lao hơn.
Thông điệp này được giới quan sát đặc biệt chú ý vì nếu quan hệ Nga-Mỹ cải thiện thì Trung Quốc sẽ bị đẩy “ra rìa”.
“Tuyên bố ngày 26.4 cho thấy rằng Nga và Mỹ có thể cùng hợp tác”, Shi Yinhong, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Renmin, nhận định. “Trong khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, quan hệ Nga-Mỹ lại cải thiện, phần lớn dựa vào yếu tố cá nhân giữa ông Putin và ông Trump”.
Ông Shi nhận định, Nga và Trung Quốc luôn có mối quan hệ đặc biệt dựa vào vị trí địa lý, quan điểm địa chính trị và vai trò trên trường quốc tế. Nhưng đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ chia rẽ quan hệ Nga-Trung.
Hồi tháng 3, Đại sứ quán Trung Quốc ở Nga gửi thông điệp đến chính quyền thủ đô Moscow, cho rằng người Trung Quốc đang bị phân biệt đối xử, bị cảnh sát ở Moscow bắt giữ liên quan đến các biện pháp ngăn ngừa Covid-19. Phía Nga nói rằng những người Trung Quốc bị cảnh sát bắt giữ là vi họ vi phạm quy định về việc tự cách ly.
“Ở giai đoạn đầu chống dịch, Nga siết chặt kiểm soát dịch bệnh với Trung Quốc, đóng cửa biên giới, đến mức Bắc Kinh từng lên tiếng về cách Nga đối xử với công dân nước này”, ông Shi nói. “Nhưng Nga lại sơ hở để virus từ châu Âu lây nhiễm lan rộng trên khắp nước Nga. Kết quả là virus từ biên giới Nga xâm nhập trở lại vào Trung Quốc”.
“Cách chống dịch như vậy không thể khiến Trung Quốc cảm thấy an tâm, trong khi ông Putin gần đây cũng không xuất hiện”, ông Shi nói.
Các chuyên gia đánh giá Nga đang ở thế yếu hơn trong mối quan hệ song phương Nga-Trung. Một trong những lý do Trung Quốc cần đến Nga là nguồn dầu mỏ và khí đốt từ Siberia.
Sản lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Ả Rập Saudi đã giảm mạnh trong tháng 3, trong khi lượng dầu thô mua của Nga tăng 31%, theo Reuters.
Đầu tháng này, công ty năng lượng Nga Gazprom thông báo mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.
“Dầu mỏ và khí đốt là những thứ giá trị của Nga với Trung Quốc. Bắc Kinh chiếm thể chủ động trong việc giảm các nguồn nhập khẩu dầu mỏ ở nơi khác để nhập dầu từ Moscow”, Alexander Gabuev, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, nói.
Gabuev cho rằng Trung Quốc sẽ tạo thêm sức ép để tiếp cận sâu rộng hơn tới các mỏ dầu của Nga.
Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Thượng Hải, nói nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn ở mức cao và Nga là nhà cung cấp ổn định nhất. “Quan hệ song phương Nga-Trung những tháng đầu năm bị ảnh hưởng vì Covid-19, vì cách người Trung Quốc bị bắt giữ vô cớ ở Nga. Nhưng về lâu dài, Nga và Trung Quốc vẫn phải cần đến nhau”, ông Li nói.
Đăng Nguyễn/DV