+
Aa
-
like
comment

Làn sóng doanh nghiệp ngoại tận dụng lợi thế sản xuất tại Việt Nam

29/09/2020 14:16

Môi trường kinh tế ổn định, lao động trẻ, năng động cùng nhiều chính sách ưu đãi là những lợi thế thu hút doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư tại Việt Nam.

Pegatron – một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony vừa công bố dự định rót một tỷ USD vào ba dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Đây là một trong những doanh nghiệp ngoại công bố ý định di dời sản xuất đến Việt Nam, nối dài làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong những năm qua. Trước đó, Google, Microsoft cùng nhiều tập đoàn khác đã có những động thái thiết lập hoạt động tại Việt Nam, nhằm khai thác thế mạnh về môi trường đầu tư của thị trường này.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam

Xu hướng dịch chuyển ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tìm kiếm một môi trường đầu tư ổn định hơn đã kéo dài nhiều năm qua. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài nhiều năm qua đã thúc đẩy làn sóng các doanh nghiệp đa quốc gia có công xưởng tại Trung Quốc tìm phương án hạn chế lệ thuộc vào cường quốc này.

Đến năm 2020, Covid-19 bùng phát càng thúc đẩy làn sóng này thể hiện mạnh mẽ hơn. Hàng loạt công ty đã tìm đến Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á để ổn định sản xuất, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và hạn chế ảnh hưởng trong tương lai khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Quy trình và sản phẩm tại nhà máy Daikin Việt Nam được thiết lập và đi theo một tiêu chuẩn đồng nhất với sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản hay bất cứ đâu trên thế giới.
Quy trình và sản phẩm tại nhà máy Daikin Việt Nam được thiết lập và đi theo một tiêu chuẩn đồng nhất với sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản hay bất cứ đâu trên thế giới.

Trong khi đó, là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực, Việt Nam đang nổi lên như một “điểm sáng” đầu tư trong mắt doanh nghiệp ngoại. Sự sôi động của nền kinh tế, những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương liên tiếp được thiết lập đã giúp Việt Nam “ghi điểm” trong mắt cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Việc kiểm soát tốt Covid-19 cũng đang mở ra cơ hội “vàng” cho Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư ngoại.

Tờ Nikkei Asian Review đưa tin Google đang chuẩn bị sản xuất dòng điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất Pixel 4A và lên kế hoạch sản xuất thế hệ tiếp theo Pixel 5 với các đối tác ở miền Bắc Việt Nam. Cùng Google, những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Microsoft, Apple, Samsung cũng đã và đang triển khai những chiến lược dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Đảm bảo quy trình, chất lượng đồng nhất

Làn sóng chuyển dịch đầu tư đòi hỏi các doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất chặt chẽ nhằm đảm bảo quy trình và chất lượng đồng nhất. Đại diện Daikin Việt Nam, doanh nghiệp vận hành nhà máy sản xuất điều hòa tại Hưng Yên từ năm 2018, doanh nghiệp ngoại cần giải bài toán chất lượng đồng nhất khi thiết lập công xưởng tại Việt Nam cũng như bất cứ đâu trên thế giới.

Đơn cử tại Daikin Việt Nam, tiền thân là một doanh nghiệp phân phối máy điều hòa thương hiệu danh tiếng Daikin (Nhật Bản) từ thập niên 90, doanh nghiệp này đã mở rộng hoạt động và triển khai sản xuất “tại chỗ” nhằm nắm bắt cơ hội và tận dụng những lợi thế về môi trường đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Cụ thể năm 2018, nhà máy Daikin Việt Nam tại Hưng Yên đã đi vào vận hành với tổng vốn đầu tư 72 triệu USD. Đây là nhà máy đầu tiên của Daikin bên ngoài Nhật Bản lắp đặt dây chuyền theo dạng module áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trong tập đoàn. Nhà máy hiện ghi nhận tốc độ sản xuất kỷ lục một máy điều hòa trong 25s, tốc độ cao nhất toàn tập đoàn nhờ quy trình và công nghệ cao. Tất cả module trên dây chuyền đều kết nối Internet, từ đó dữ liệu về sản xuất được cập nhật và chia sẻ thẳng đến Nhật Bản.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam.

Nhà máy tại Hưng Yên cũng là một trong số ít nhà máy của Daikin lần đầu áp dụng hệ thống camera cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhà máy kiểm tra chất lượng ngay tại dây chuyền sản xuất mà không phải đợi đến khi có thành phẩm. Nhân sự chất lượng cao vận hành nhà máy khoảng 1.000 người.

Đại diện Daikin Việt Nam nhận định, những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục nhờ vào đầu tư tích cực cho hạ tầng và sự thâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với sự gia tăng dân số và mức thu nhập cải thiện, thị trường điều hòa không khí tại Việt Nam cũng đang tăng trưởng ở mức cao trong khu vực. Bên cạnh đó, chi phí điện năng còn ở mức cao so với thu nhập cũng kích thích nhu cầu về những sản phẩm tiết kiệm điện năng như điều hòa không khí biến tần. Vì những lý do này, Daikin quyết định đầu tư xây dựng nhà máy để sản xuất tại Việt Nam.

Ông Kasetani Yukihiko – Giám đốc Chất lượng nhà máy Daikin Việt Nam khẳng định, dù sản xuất ở trong nước nhưng tiêu chuẩn, quy trình và sản phẩm đều được thiết lập và đi theo một tiêu chuẩn đồng nhất với sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản hay bất cứ đâu trên thế giới.

“Sản phẩm của Daikin dù sản xuất ở đâu cũng có cùng chất lượng, bên cạnh tiêu chuẩn 5S chuẩn Nhật (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng), chúng tôi còn áp dụng một “S” khác là sĩ khí, là tinh thần làm việc kết hợp giữa chất lượng chuẩn Nhật và sự năng động của Việt Nam”, ông Kasetani Yukihiko nói.

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất “chuẩn Nhật” đồng nhất trên toàn cầu, nhà máy Daikin Việt Nam đạt công suất lên đến một triệu máy điều hòa một năm, đạt các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng ISO 9001 do Hiệp hội chất lượng Nhật Bản (JQA) cấp. Đây cũng là thương hiệu dẫn đầu doanh số suốt 4 năm liền từ 2014 – 2018, theo báo cáo từ Tập đoàn nghiên cứu thị trường quốc tế Euromonitor. Trong năm qua, Daikin còn được độc giả báo VnExpress bình chọn là thương hiệu điều hòa xuất sắc nhất năm, trong khuôn khổ giải thưởng Tech Awards 2019.

Đại diện Daikin Việt Nam cũng cho biết, việc chú trọng quy trình, công nghệ và chất lượng của nhà máy tại Việt Nam không chỉ là động thái đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Đây là một bước tiến của tập đoàn trong khu vực, nhằm tạo bước đệm từ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đi Đài Loan (Trung Quốc), châu Á, Autralia, New Zealand…

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng để tăng uy tín của môi trường sản xuất tại Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần đẩy mạnh chính sách đầu tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và tiếp tục cải tiến hạ tầng, nhằm thực sự trở thành một điểm đến đầu tư phù hợp yêu cầu khắt khe của nhiều lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao của thế giới.

Minh Anh/VNE

Bài mới
Đọc nhiều