Làn sóng chưa từng có, Việt Nam top đầu hay chậm chân tụt hậu
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực nhưng nếu không nắm bắt được các làn sóng mới, trong đó có cuộc cách mạng 4.0 thì sẽ nhanh chóng mất đà tăng trưởng, thậm chí tụt hậu.
Sóng ngầm chưa từng có
Dòng vốn hàng trăm tỷ USD đang chảy vào công nghệ tài chính (Fintech), lĩnh vực đang nổi lên rất mạnh mẽ trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Sự thay đổi nhanh tới mức, các nước đang có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thích ứng và các đại gia tài chính đang phải tính những đường hướng mới để không bị bỏ lại trong cuộc chơi.
Các báo cáo tại hội thảo do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Câu lạc bộ Công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam (VietFintech Club) cho thấy, ngành Fintech toàn cầu được đánh giá là vô cùng tiềm năng, với số tiền huy động vào lĩnh vực này rất lớn, chỉ nửa đầu năm 2018 đã lên tới 58 tỷ USD. Trong nửa cuối 2018 và đầu 2019, dòng dòng tiền tiếp tục dồn dập đổ vào lĩnh vực Fintech nhưng đang có sự dịch chuyển.
Ông Trần Hữu Đức, Phó chủ tịch VietFintech cho biết, một xu hướng mới xuất hiện, các tổ chức tài chính truyền thống không còn tự đổi mới từ bên trong mà chuyển sang dạng hợp tác hoặc sáp nhập các công ty Fintech nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, tiếp cận người dùng.
Tại Việt Nam, các ngân hàng bắt đầu làm việc và hợp tác với Fintech để hỗ trợ và triển khai công nghệ, thúc đẩy sự đổi mới trong thời đại công nghệ số. Tỷ lệ dân số chưa có tài khoản ngân hàng lớn (đến 69%) và số người sống ở nông thôn bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính nhưng tỷ lệ sử dụng điện thoại và Internet rất cao là cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp Fintech tiếp cận.
Bà Kristin Gillon, Giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu của ICAEW cho biết, các công ty cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới dịch vụ tài chính với sự tác động lên các lĩnh vực ngân hàng số, thanh toán di động, bảo hiểm, tiền điện tử, robot tư vấn,… Fintech thay đổi cách tiếp cận môi trường truyền thống sang môi trường điện tử.
Tại Vietnam Business Summit (VBS) tuần qua, đại diện một NH TMCP tại Việt Nam thừa nhận cơ hội lớn chưa từng có đối với ngân hàng trong làn sóng đổi mới công nghệ. Cơ hội còn ở chỗ, các ngân hàng Việt Nam là người đi sau, có thể ứng dụng công nghệ mới và bứt phá, giống như Trung Quốc đi sau Mỹ rất lâu về công nghệ nhưng đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, thanh toán tại nước này. Ngành ngân hàng có nhiều cơ hội thông qua quá trình số hoá.
Việt Nam top đầu, nhưng nguy cơ vẫn tụt hậu
Nhiều tổ chức lớn trên thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ, xuống còn 6,7-6,8% vào năm 2019 do tác động suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực. Dù vậy, những nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thậm chí tụt hâu không phải không có.
Trên thế giới, cách mạng công nghệ 4.0 xuất hiện khá rõ nét với sự biến chuyển ở nhiều nơi. Làn sóng mới trong lĩnh vực công nghệ đang nổi lên rất mạnh và đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc khiến Mỹ phải lo ngại và ngăn chặn.
Tại Việt Nam, xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 cũng bắt đầu. Trong lĩnh vực tài chính, công nghệ nổi lên với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn quá thấp (chỉ khoảng 10% so với 90% ở một số nước phát triển), và còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Mặc dù quy mô thị trường rộng lớn, có khả năng xuyên biên giới số lượng khách hàng là vô cùng lớn và một thị trường có giá trị cả trăm tỷ USD, nhưng nhiều ngân hàng Việt Nam còn gặp khó khi tham gia vào quá trình thay đổi.
Theo bà Kristin Gillon, nguồn nhân lực và hoàn thiện khung pháp lý là hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Thiếu hụt nhân sự có trình độ cao là thách thức đối với tất cả các quốc gia trước sự đổi mới công nghệ tài chính.
Theo đó, một nhân sự làm việc trong ngành Fintech cần sự pha trộn giữa sáng tạo đổi mới, công nghệ kỹ thuật và chuyên môn về tài chính. Tuy nhiên, hiện số lượng được đào tạo khó có thể đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của Fintech. Chính vì vậy, các nước và doanh nghiệp cần có sự đầu tư chiến lược dài hạn phát triển nhân sự trong ngành này.
Đại diện ngân hàng trên còn tiết lộ đã đầu tư rất lớn cho công nghệ, có năm lên tới hàng chục triệu USD nhưng gặp vấn đề về chất lượng nhân sự. Theo đại diện này, các trường phải chú trọng hơn về chất lượng nhân lực, đồng thời bật mí rằng họ có thể tuyển chuyên gia là những sinh viên học Bách Khoa, Tổng hợp chứ không phải kinh tế để phục vụ cho việc số hoá, AI.
Cùng quan điểm, ông Trần Hữu Đức thừa nhận, bên cạnh hành lang pháp lý, nguồn nhân lực trong lĩnh vực Fintech là một thách thức hiện nay.
Thông thường, các nhà sáng lập trẻ trong lĩnh vực Fintech chưa tìm được sự kết hợp giữa những người có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực tài chính và những chuyên gia giỏi công nghệ, một số mới chỉ có năng lực công nghệ tốt, biết cách tiếp cận người dùng, có sự sáng tạo nhưng khó tích hợp hay thử nghiệm sản phẩm vào các ngân hàng, doanh nghiệp.
Vài năm gần đây, các ngân hàng lớn trên thế giới cũng phải nỗ lực để theo kịp những thay đổi về mặt công nghệ. Chia sẻ với báo chí, Frederic Oudea, CEO của ngân hàng lớn Societe Generale SA tại châu Âu, thậm chí phải học code để theo kịp thời đại. Bên cạnh việc hợp tác với các startup về fintech, hỗ trợ các chương trình hỗ trợ ý tưởng sáng tạo, Oudea còn đầu tư vào bộ phận ngân hàng di động cũng như hàng trăm ứng dụng.
Trong nước, nhiều công lạc bộ Fintech hay các cuộc thi đã được tổ chức, giúp kết nối các startup với ngân hàng. Nhiều tập đoàn lớn trong nước như Vingroup cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận sang lĩnh vực công nghệ, sử dụng AI, blockchain, dữ liệu lớn,… thay vì ngồi thỏa mãn với những mạng lưới vật chất của mình.
Trong một thế giới biến đổi không ngừng, ai là người nắm lao động trình độ cao, công nghệ và dữ liệu được cho là người sẽ chiến thắng. Người lao động trong tương lai sẽ đa năng hơn. Sự biến chuyển của công nghệ là không ngừng nên họ cũng cần “thái độ số”, đó là luôn tìm hiểu và cởi mở, khả năng thích ứng và sẵn sàng thay đổi.
H. Tú/Vietnamnet