Lằn ranh dám quyết, dám làm và sai phạm: Hội chứng ‘sợ sai’
Gần đây, sau vụ cây phượng đổ làm chết một học sinh ở TPHCM, hội chứng sợ trách nhiệm đã lan nhanh vào các trường học, dẫn đến chặt phượng hàng loạt. Ðây chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho thấy hội chứng sợ sai, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở không ít cán bộ, công chức nhà nước.
Cũng vì hội chứng sợ sai đó nên có không biết bao nhiêu dự án bị chậm trễ, đình trệ, bao nhiêu hồ sơ chạy lòng vòng, hết nơi này đến nơi khác không được giải quyết…
Bộ nóng có bị “cóng”?
Trái với sự ồn ào, rầm rộ khởi công, thi công thần tốc và đưa các công trình vào sử dụng trước đây, trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT lại lại khá tĩnh lặng. Cả nhiệm kỳ, hầu như không có dự án lớn nào được triển khai. Các dự án BOT vốn được coi là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư, nay bị xa lánh, ghẻ lạnh. Trong 4 năm qua không có một dự án BOT nào được thực hiện. Ngay cả các dự án vốn được coi là có tính cấp bách như sân bay Long Thành, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, dự án cao tốc Bắc- Nam cũng vẫn đang ở khâu giấy tờ, quy trình, chưa biết bao giờ mới chính thức khởi công, xây dựng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đường sắt đã xảy ra chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử là nguy cơ phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc do không được bố trí vốn bảo trì, khiến 1,1 vạn lao động không có lương. Trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Bây giờ nhiều người sợ sai lắm. Nhiều người cho là lỗi ở cơ chế chính sách, song theo tôi, cơ chế không sinh ra con người mà con người xây dựng cơ chế chính sách”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khi đó trả lời thẳng thắn rằng: Bộ GTVT phải làm việc theo pháp luật, không thể vận dụng những gì mà pháp luật không quy định để rồi phải chịu rủi ro. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây, khi nói về tiến độ triển khai các dự án chậm trễ khẳng định: “Bộ phải làm đúng quy định của pháp luật”.
Những gì mà Bộ trưởng Thể và Thứ trưởng Công nói hoàn toàn đúng với nguyên tắc “cán bộ, công chức chỉ làm được những gì mà pháp luật cho phép”. Nếu nôn nóng, làm tắt, cắt xén quy trình, có thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, song hoàn toàn có thể đối diện với nguy cơ bị kết luận “làm sai quy trình, quy định”. Song nghịch lý của việc “đúng quy trình” đó là trong khi tư nhân làm xong sân bay Vân Đồn trong 2 năm, thì sau hơn 4 năm, việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành vẫn ở trên khâu giấy tờ, thủ tục, chứ chưa khởi công…
“Đúng quy trình” song lại không đáp ứng yêu cầu cấp bách mà cuộc sống, xã hội, người dân và doanh nghiệp mong muốn. Và điều mà ông Minh nêu ra cũng phản ánh phần nào đó về “hội chứng” sợ sai trong một nhiệm kỳ đầy biến cố ở Bộ GTVT. Chỉ trong vòng hơn 4 năm, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của bộ này bị kỷ luật như cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; các thứ trưởng đương nhiệm gồm Nguyễn Nhật, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông…
Né tránh, không dám làm, đẩy việc lên Thủ tướng
Tương tự trong lĩnh vực giao thông, câu chuyện “giải cứu” dự án Nhiệt điện 2 Thái Bình cũng gặp khá nhiều trắc trở. Trước việc, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho dùng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN nói rằng: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng nguồn tiền này nhưng hãy bật đèn xanh cho chúng tôi đi… Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Hãy cho chúng tôi cơ chế để làm, cho đường để chúng tôi đi”, ông Sỹ Thanh khẳng định. Đến nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách để tháo gỡ cho PVN, song bao giờ dự án này mới có thể hoàn thành vẫn là một câu hỏi như một nan đề ở phía trước?
Khi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thẳng thắn nói rằng: “Anh nào cũng muốn có vị trí, được bổ nhiệm, nhưng đề xuất thì sợ trách nhiệm. Anh nào sợ trách nhiệm thì thôi, xin nghỉ để người khác làm, nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật”.
Thực tế câu chuyện ì ạch của bộ máy trong việc triển khai các nhiệm vụ diễn ra nhiều năm gần đây. Điều này cũng phần nào được phản ánh qua kết quả chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay cả nước mới giải ngân được 33,1%. Trong đó còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân dưới 5%. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA còn chậm hơn rất nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, có đến 22 tỉnh, thành phố không giải ngân được đồng nào vốn ODA dù đã được giao từ sớm.
Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã phải sốt ruột nói rằng “Các đồng chí phải nóng ruột lên. Các bí thư, ông chủ tịch tỉnh phải xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng… Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng cũng có rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nói.
Trong báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Văn phòng Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao. Công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không dám làm, thiếu quyết liệt, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thẳng thắn nói rằng: “Anh nào cũng muốn có vị trí, được bổ nhiệm, nhưng đề xuất thì sợ trách nhiệm. Anh nào sợ trách nhiệm thì thôi, xin nghỉ để người khác làm, nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật”.
Văn Kiên/TP