Làn gió mới thổi vào thị trường khách quốc tế
Chính sách thị thực được Quốc hội thông qua. Việc nới lỏng chính sách thị thực có thể được xem là làn gió mới thổi vào thị trường khách quốc tế đang trầm lắng.
Được biết, sáng 24/6, với 470/475 đại biểu có mặt đồng ý (95,14%), Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Việt Nam có cảnh đẹp, có ẩm thực phong phú, con người hiền hòa thân thiện, đặc biệt vô cùng an ninh nhưng dù mở cửa sớm nhưng kết thúc năm kết quả thu hút khách du lịch lại “về muộn”. Năm 2022 thất bại trong mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch. Trong khi đó, Thái Lan đạt 11 triệu, Malaysia hơn 9 triệu.
Đã nói rất nhiều trong các cuộc hội thảo lớn nhỏ là vấn đề lớn nằm ở chế độ thị thực của Việt Nam. Qua thực tiễn đã chứng minh, nước nào có thời gian thị thực dài sẽ là điểm cộng rất lớn để níu chân khách du lịch và bản thân mỗi nước họ đều đã tự điều chỉnh để có thể kích cầu du lịch.
Có thể kể đến như Thái Lan, họ áp dụng miễn thị thực 30 ngày, sau đó đến 60 ngày, rồi 90 ngày và bây giờ là 108 ngày; Indonesia cũng đã nâng lên thời gian miễn thị thực đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD; Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về thị thực.
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc nới lỏng chính sách thị thực vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp Việt Nam kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách, khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam đã và đang tồn tại trước đó. Không chỉ có vậy, chính sách này còn được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thiết kế những sản phẩm cho dòng khách chi trả cao với thời gian lưu trú từ 3 tuần trở lên.
Đặc biệt, việc chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023, là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá tới các thị trường mục tiêu ngay trong mùa cao điểm Thu Đông năm nay. Việc cải thiện chính sách thị thực không chỉ cho thấy Việt Nam thích ứng, linh hoạt trong cuộc đua phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững, bình đẳng với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt trước nên so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày làm nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong thu hút du khách, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng.
Công Luân