Lần đầu tiên không có ca nhiễm mới sau một tháng
6h ngày 5/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nCoV nào, bác gái “bệnh nhân 17” dừng can thiệp ECMO, tổng số bệnh nhân ở Việt Nam 240.
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 5/3, Việt Nam không ghi nhận ca Covid-19 mới nào trong buổi sáng.
Trong 24 giờ qua chỉ một ca dương tính được ghi nhận. Hôm qua 4 bệnh nhân ra viện, đưa số khỏi bệnh lên 90.
Trong số 240 bệnh nhân có 149 người từ nước ngoài về, chiếm 62,1%; 91 người bị lây nhiễm thứ phát bao gồm 61 người thuộc các ổ dịch nội địa như liên quan Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, quán bar Buddha tại TP HCM, liên quan “bệnh nhân 34” tại Bình Thuận…
Bốn bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sức khỏe đã có tiến triển.
Trong số nặng có một người cao tuổi nhất là “bệnh nhân 161”, 88 tuổi. Bà bị xuất huyết não, cao huyết áp, tiểu đường, hở van động mạnh chủ, thể trạng gầy yếu. Hiện bà vẫn thở máy, không sốt, tình trạng lâm sàng tạm ổn định, không có suy tạng khác.
Bác gái “bệnh nhân 17” đã kết thúc can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), chỉ còn thở máy, lọc máu. Bà vốn có bệnh nền là rối loạn tiền đình, trong quá trình điều trị diễn tiến sức khỏe xấu nên các bác sĩ quyết định kết hợp thở máy và can thiệp ECMO.
Bà là bệnh nhân Covid-19 duy nhất ở nước ta đến nay phải can thiệp ECMO. Sau nhiều ngày kiên trì điều trị, phối hợp hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khỏe của bà đã tiến triển.
Ngày 4/4 bệnh nhân đã kết thúc can thiệp ECMO, chỉ còn thở máy, lọc máu. Đặc biệt, bà đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV liên tục 3 lần vào các ngày 26/3, 27/3 và 29/3.
Ba bệnh nhân nặng khác đã ngưng thở máy từ mấy ngày qua và đang tập thở. Kết quả xét nghiệm nCoV âm tính nhiều lần.
Bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng
Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc nhất những chủ trương của Đảng, Nhà nước thì vấp phải bệnh chủ quan, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng. Phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Chỉ thị gần đây của Thủ tướng. Không làm suy giảm tinh thần các Chỉ thị, nhất là Chỉ thị 16 trong tổ chức thực hiện.
Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”. Quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, không để ai bị đói kém. Bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân như điện, nước, gạo, thực phẩm, rau, thuốc chữa bệnh… là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành. Xử lý nghiêm vi phạm, đầu cơ, hàng giả, kém chất lượng, trong đó có việc xử lý hình sự một số cá nhân cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra khỏi nhà nếu có việc thực sự cần thiết; luôn đeo khẩu trang, đứng cách nhau tối thiểu 2 m…