Lần đầu tiên, Bộ GTVT thừa nhận sai sót trong dự án Cát Linh – Hà Đông
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, dự án Cát Linh – Hà Đông có nhiều sai sót từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng đến thi công.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tiết lộ lý do khiến đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn 1% công việc nhưng mãi vẫn chưa thể vận hành…Theo đó, dự án Cát Linh – Hà Đông có nhiều sai sót từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng đến thi công.
Tại cuộc họp báo quý III của Bộ GTVT chiều tối 27/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận đúng các sai sót của dự án Cát Linh – Hà Đông, với các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nhà thầu không có năng lực, không có hồ sơ thiết kế, thi công
Thứ trưởng Bộ GTVT đã chỉ ra nguyên nhân dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ.
Cụ thể, dự án chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu…
Về các thiết bị đã lắp đặt, Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ… để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống; chưa hoàn thành đề cương vận hành chạy thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy tử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé…) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Dự án chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
“Dù đã làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc về các nguyên nhân, tồn tại, khó khăn, vướng mắc song đến nay chưa vận hành, khai thác thương mại. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ động xử lý dứt điểm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đánh giá công tác tập hợp hồ sơ của Tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ là chưa khả thi. Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Sau khi chốt được mốc hoàn thành, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Kiểm toán chỉ ra nhiều sai phạm, Bộ GTVT chưa biết trách nhiệm của ai?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, giai đoạn thiết kế dự án kéo dài qua 5 năm, nhiều hạng mục điều chỉnh khiến cho tổng vốn dự án tăng. Năm 2015, chủ đầu tư phải tạm duyệt dự toán để thực hiện một số hạng mục xây lắp và để tạm thanh toán giá trị khối lượng cho Tổng thầu Trung Quốc, thúc đẩy tiến độ. Quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức nên lập dự toán chưa đầy đủ, khiến quá trình thực hiện còn sai sót, tồn tại như Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Trả lời về kết luận của Kiểm toán Nhà nước dự án có chi phí vận hành lớn gây lỗ song các bên chưa có giải pháp, Thứ trưởng Đông khẳng định, đường sắt đô thị có chi phí đầu tư gấp 3-4 lần đường bộ, là dự án giao thông công cộng nên sẽ bị lỗ như xe buýt. Hiệu quả về tài chính của dự án đường sắt đô thị không thể cao, song đóng góp kinh tế cho cả thành phố, quốc gia.
Về trách nhiệm xử lý cán bộ, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay đang rà soát vì các cơ quan tham gia dự án rất nhiều, ban đầu chủ đầu tư là Cục Đường sắt, sau đó chuyển về Bộ GTVT.
“Đây là bài học đắt giá cho ngành giao thông. Chúng tôi đang rà soát theo kết luận của kiểm toán, sẽ thực hiện nghiêm túc, phần nào chưa đúng sẽ điều chỉnh. Phần nào vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT sẽ báo cáo cơ quan cao hơn”, ông Đông nói.
Còn 1% nhưng không biết khi nào sẽ xong
Lý giải dự án chưa thể khai thác, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết khối lượng xây lắp của dự án còn 1% do chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan và hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu chưa xong. Các thiết bị đã lắp đặt chưa được Tổng thầu cung cấp đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống. Dự án cũng chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả đoàn tàu chạy thử.
Hiện Bộ GTVT không thể đưa ra chính xác ngày dự án đi vào khai thác thương mại vì “sợ nói mấy lần rồi, nhưng không đúng tiến độ mọi người lại bảo nói mà không làm”. Tổng thầu Trung Quốc thì đề nghị cho dự án khai thác thương mại từ bây giờ, nhưng Bộ GTVT không đồng ý bởi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
“Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án”, ông Đông nói.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011, sau khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung vào năm 2008. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Theo kết quả kiểm toán dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra trách nhiệm của Bộ GTVT – chủ đầu tư, không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác. Phương án tài chính ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên có liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.
Cơ quan kiểm toán cũng cho rằng, Bộ GTVT điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trong quyết định vào tháng 5/2017 gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại 250 triệu USD là chưa đúng quy định, bổ sung chi phí xây lắp tăng 21 triệu USD do thay đổi biện pháp đầu tư khi chưa có tính toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý. Cơ quan kiểm toán cũng yêu cầu Bộ kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trước ngày 30/9 phải báo cáo về tiến độ chạy thử và vận hành; chủ động xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền), không để tình trạng chậm trễ tiến độ đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Bộ GT-VT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD. Quá trình thực hiện Dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Phi Long/VOV