+
Aa
-
like
comment

Làm thế nào để người “mất ghế” tâm phục, khẩu phục ?

11/01/2020 08:59

Ở xã, huyện, chuyện “mất ghế” không chỉ đơn thuần về chức danh, chức vụ mà còn ảnh hưởng đến dòng họ, dòng tộc. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, Thọ Xuân đã tạo được sự đồng thuận tới gần 100%

Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập lớn trong cả nước, chiếm hơn 10%. Từ 635 đơn vị, Thanh Hóa sẽ sáp nhập còn 559 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Nghị quyết, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) sắp xếp 20 xã, thị trấn thành 9 xã, thị trấn. Sau khi sáp nhập, huyện Thọ Xuân giảm 11 đơn vị hành chính, còn 30 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, gồm 27 xã và 3 thị trấn.

Có thể nói, đến thời điểm này, Thọ Xuân là một trong những huyện đi đầu cả nước trong việc hoàn thành chủ trương về sáp nhập, tinh gọn bộ máy, có sự đồng thuận gần như tuyệt đối của cả người dân và những người được bố trí, sắp xếp vào các vị trí mới, trong đó có những người bị “mất ghế”. Bắt đầu từ 1/12/2019 bộ máy đã đi vào hoạt động ổn định.

Phóng viên phỏng vấn ông Lê Văn Tiến, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thọ Xuân.

PV: Xin ông cho biết, với số lượng các đơn vị sáp nhập nhiều như vậy, việc bố trí, sắp xếp từ 2-3 xã, phường thị trấn thành 1 đơn vị, người đứng đầu, cấp phó được sắp xếp như thế nào để tạo sự đồng thuận?

Ông Lê Văn Tiến: Theo Nghị quyết 37 của Trung ương, sau khi căn cứ tiêu chí về đơn vị thì có 12 xã, thị trấn của Thọ Xuân nằm trong diện sáp nhập. Để thực hiện được số đơn vị này thì liên quan đến 8 đơn vị khác. Vì có đơn vị sáp nhập nhưng cách đơn vị liền kề nên để sáp nhập được thì đơn vị liên quan bị ảnh hưởng. Như vậy, Thọ Xuân có 20 đơn vị sáp nhập trong năm 2019. Sau khi sáp nhập còn 9 đơn vị hành chính, tức giảm 11 xã, thị trấn.

Ông Lê Văn Tiến, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thọ Xuân

Để thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết các bước. Trên cơ sở tình hình cụ thể, điều kiện của từng đơn vị, huyện đã lập 9 tổ công tác, mỗi tổ do 1 Uỷ viên Thường vụ là tổ trưởng chỉ đạo từ việc xây dựng nội dung chương trình kế hoạch đến nắm bắt tình hình, gặp gỡ để cán bộ, nhân dân hiểu được chủ trương của Đảng. Sau đó làm các bước, từ tổ chức Hội nghị từ chi bộ, các thôn, các địa phương để tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Chúng tôi xin ý kiến của bà con về chủ trương sáp nhập, xin ý kiến để tạo sự thống nhất trong việc lấy tên đơn vị hành chính mới, về nơi đặt trụ sở của đơn vị hành chính mới. Cả 3 vấn đề đó đều đạt sự đồng thuận rất cao, bình quân chung trên 98,9% đồng tình. Từ việc tổ chức từng bước, có kế hoạch như vậy đã tạo sự đồng thuận rất cao ở cả 20 đơn vị sáp nhập.

Sau khi tiến hành các bước như vậy, các tổ công tác tổng hợp báo cáo, thực hiện các bước quy trình như xin ý kiến HĐND các xã, thị trấn về việc sáp nhập, cũng như việc đặt tên, trụ sở. Sau đó đề xuất huyện, tỉnh thực hiện các bước tiếp theo đúng theo quy định.

Sau ngày 1/12/2019, toàn bộ nội dung chương trình sáp nhập 9 đơn vị và 9 tổ chức Đảng mới đi vào hoạt động và đến hôm nay cơ bản ổn định.

Phó Bí thư, Chủ tịch cũng chuyển sang làm công chức

PV: Thưa ông, trong câu chuyện sắp xếp như vậy, việc rà soát gặp phải khó khăn như thế nào để đánh giá đúng năng lực cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc?

Ông Lê Văn Tiến: Để thực hiện sáp nhập thì việc rà soát, sắp xếp là câu chuyện hết sức khó khăn. Thành lập tổ chức Đảng là việc bình thường theo quy định Điều lệ nhưng việc sắp xếp bộ máy là một câu chuyện khó. Khi mới thực hiện sáp nhập, cũng có khó khăn về tư tưởng, tâm lý của người dân đang ở đơn vị này khi sáp nhập sẽ như thế nào. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền được thực hiện tốt nên cơ bản ổn định.

Như tôi đã nói, việc khó nhất là sắp xếp bộ máy. Ban Tổ chức tham mưu cho Ban Thường vụ, trước hết rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ 20 đơn vị này nói riêng và 21 đơn vị còn lại. Chúng tôi muốn đánh giá toàn diện để sau khi sắp xếp bộ máy sẽ có điều chỉnh trên bình diện chung của cả huyện, có thể sẽ có sự điều chỉnh ở đơn vị này với đơn vị khác, đơn vị mới và đơn vị đang ổn định. Đó là bài toán nan giải cho công tác tổ chức bộ máy.

Sau khi rà soát đánh giá, 20 đơn vị này có 219 cán bộ công chức (chưa tính người làm việc bán chuyên trách) thì chỉ bố trí được có 94 người làm cán bộ, còn lại chuyển sang làm công chức chuyên môn, một bộ phận nghỉ theo quy định, có người nghỉ hưu trước tuổi.

94 cán bộ công chức này nằm trong bộ máy thuộc diện Thường vụ và Thường trực Huyện uỷ quản lý. Số còn lại có 36 người từ cán bộ chuyển sang làm công chức. Đáng chú ý có đồng chí là Phó Bí thư, Chủ tịch cũng chuyển sang làm công chức. Có đồng chí Bí thư chuyển xuống làm Phó Bí thư, hoặc Chủ tịch xuống làm phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch xuống làm công chức….

Đây là bài toán về tư tưởng, để làm sao những người bị điều chuyển đồng thuận phải có sự sự gặp gỡ. Trưởng các tổ công tác trực tiếp gặp gỡ.

Ở huyện xã, chuyện này không hề đơn giản, không chỉ đơn thuần về chức danh, chức vụ mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng cá nhân, dòng họ, dòng tộc. Bản thân người bị điều chuyển không có vấn đề gì nhưng làng xóm, họ hàng có khi lại dị nghị vì đang ở chức cao lại bị “mất ghế”, chuyển sang làm việc ở vị trí thấp hơn.

Cũng rất may là các vị xuống chức hay những vị được điều chuyển sang công tác khác, họ hoàn toàn tự nguyện làm đơn chứ không có trường hợp nào gò ép. Trong 36 cán bộ từ cán bộ sang công chức, hiện có một Bí thư Đảng uỷ còn 22 tháng mới nghỉ hưu nhưng có nguyện vọng chuyển sang làm công chức, còn 32 đồng chí là cán bộ, kể cả Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch…. có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi theo quy định 108. Huyện uỷ thống nhất chủ trương và hoàn thiện toàn bộ hồ sơ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền chuyển Bộ Nội vụ thẩm định 32 hồ sơ này.

Còn lại một số đồng chí có thời gian công tác (nam 55 đến dưới 58 tuổi, nữ đủ 50 đến dưới 53) nhưng có thời gian đóng BHXH từ 10 đến dưới 20 năm nhưng không đủ điều kiện tái cử, thời gian công tác còn 2 năm thì huyện có cơ chế hỗ trợ đóng đủ thời gian BHXH đến 20 năm, hỗ trợ để cho họ về trước tuổi. Số này có 12 người và họ tự nguyện về nghỉ việc một lần và họ cũng phấn khởi. Đến thời điểm này không có ý kiến nào phản hồi, phản ứng về việc bố trí, sắp xếp cán bộ.

Trong công tác này, huyện Thọ Xuân được tỉnh đánh giá rất cao và quan trọng là sắp xếp đúng người, đúng việc, ổn định tình hình sau sắp xếp.

Xây dựng thêm các tiêu chí phụ để cán bộ tự soi chiếu

PV: Như ông vừa nói, việc sắp xếp tạo được sự đồng thuận rất cao. Vậy ngoài các tiêu chí của Trung ương, của tỉnh thì huyện xây dựng thêm các tiêu chí như thế nào để lựa chọn được những người có năng lực thực tiễn, sắp xếp đúng vị trí?

Ông Lê Văn Tiến: Để lựa chọn bố trí cán bộ, chúng tôi trước hết phải chiếu theo các tiêu chuẩn chung của Đảng và của tỉnh. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ có phương án trong bố trí, sắp xếp cán bộ cụ thể và quy chiếu bộ tiêu chí này vào từng trường hợp cụ thể để rà soát, bố trí đúng năng lực, vị trí.

Một đơn vị hành chính mới có thể 3 đơn vị sáp lại thì có 3 Bí thư, 3 Chủ tịch UBND và Chủ tịch Mặt trận và các đoàn thể, Trưởng Công an, Trưởng Quân sự…. đều nằm trong bộ tiêu chí huyện xây dựng. Trước hết là độ tuổi là còn đủ trong nhiệm kỳ tái cử trở lên. Về trình độ chuyên môn, về bằng cấp chính trị… Nếu những người có cùng các tiêu chuẩn bằng cấp thì phải có tiêu chí phụ và năng lực thực tiễn.

Từ các tiêu chí của Trung ương đến của tỉnh, huyện như vậy, cán bộ tự soi vào đó và tự nguyện làm đơn. Chúng tôi cũng ít phải tuyên truyền.

Để ra được bộ tiêu chí đó, phải có các vòng xin ý kiến, từ cơ quan tham mưu đến các xã, xin ý kiến rộng rãi và sau đó thống nhất thực hiện. Chúng tôi mời cả chuyên gia, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ hỗ trợ và đã tạo sự thống nhất rất cao. Bản thân cán bộ cũng tự nghiên cứu các tiêu chí, nên khi đưa ra họ rất ủng hộ. Chúng tôi xây dựng các tiêu chí phụ kèm theo nhưng gần như không phải sử dụng đến, vì tiêu chí chính đã đủ phân loại.

PV: Có thể nói, đến nay huyện đã hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ với sự đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, với các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp sẽ lớn hơn nhiều về quy mô, tổ chức, huyện có phương án đào tạo cán bộ như thế nào để họ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới?

Ông Lê Văn Tiến: Ở đơn vị hành chính mới, quy mô dân số, diện tích tăng lên, bước đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn. Có nhiều nơi diện tích, dân số tăng gấp 2-3 lần thì việc quản lý và yêu cầu quản lý xã hội, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội cũng sẽ gặp khó khăn.

Chủ trương của Trung ương nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của đội ngũ cán bộ là một chủ trương rất đúng, rất trúng. Việc bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sau sáp nhập là công việc cần phải bàn.

Về chuyên môn, với đội ngũ được bố trí ở đơn vị mới làm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý thì chắc chắn số này đã được đào tạo Đại học, nằm trong khung tiêu chí. Về lý luận, 100% số này cũng đã được đào tạo trung cấp lý luận.

Sắp tới đây, chúng tôi tham mưu cho Ban Thường vụ mở lớp quản lý Nhà nước về chuyên viên và sẽ có các lớp đào tạo đúng lộ trình để đáp yêu cầu. Tôi tin với nguồn lực cán bộ hiện có của huyện sẽ đáp ứng được yêu cầu trong thời gian sắp tới.

PV: Xin cảm ơn ông.

PVVOV

Bài mới
Đọc nhiều