‘Làm sao luật sửa xong các tổ chức tín dụng hoạt động đàng hoàng, công khai, minh bạch’
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu yêu cầu luật Các tổ chức tín dụng sửa xong, các tổ chức tín dụng hoạt động “đàng hoàng, công khai, minh bạch, không phải lo cái gì cả”.
Chiều 5/6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, luật Các tổ chức tín dụng giống như một bộ luật để tất cả hành xử của các tổ chức tín dụng đều phải dựa vào luật này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những đóng góp của ngành ngân hàng thời gian vừa qua là rất lớn, tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng.
“Nghị quyết của T.Ư lần này nói là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cho biết, dự thảo luật đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3% để hạn chế cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng không phải là 3% hay 5%.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong luật của các nước khi sở hữu cổ phần trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo để “người ta biết được nhóm người liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là kinh nghiệm cần tham khảo khi thực tế hiện nay đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tương tự như tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ – con nhưng công ty mẹ là tổ chức tín dụng, hoặc tập đoàn nhưng có thành viên là ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ, cụ thể hơn vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng. “Trong dự thảo chỉ quy định mấy dòng thì không được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần quy định cụ thể các vấn đề về doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng… để làm sao giải thích được câu hỏi: vì sao lạm phát thấp mà lãi suất huy động lại cao như thế để xã hội khỏi thắc mắc.
“Lạm phát năm ngoái có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9% thì vô lý quá. Thế bây giờ muốn giải đáp những câu hỏi đấy thì phải quy định ngay trong luật này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ đồng tình với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, cho rằng Chính phủ cần đầu tư hơn nữa cho vấn đề này.
“Cái luật này khó phết”
Liên quan tới vấn đề xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm, Quốc hội đã có Nghị quyết 42 năm 2017 về vấn đề này. Tới nay sửa luật, vấn đề nào luật hóa được thì nên luật hóa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm “không đưa tất cả Nghị quyết 42 vào luật”.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được ban hành trong tình huống đặc biệt, còn bây giờ tình huống bình thường thì phải khác. Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ như Nghị quyết 42 trong vấn đề xử lý tài sản thì ưu tiên trả nợ trước, rồi nộp thuế sau, nhưng hiện nay trong tình hình bình thường thì thứ tự ưu tiên phải khác.
Hay tại, Nghị quyết 42 giao cho ngân hàng quyền định đoạt, phát mãi tài sản nhưng trong điều kiện bình thường hiện nay thì phải đưa ra tòa…
“Cái luật này khó phết, tuy nhiên bản trình Quốc hội lần này đã tốt hơn nhiều bản lần trước. Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cũng đã họp nhiều lần cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh nền tảng ban đầu của dự thảo luật đã “tốt rồi”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu góp ý thêm để hoàn thiện dự án luật, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
“Làm sao đó mà luật này sửa xong các tổ chức tín dụng nó đàng hoàng, nó ngồi hoạt động, nó công khai, minh bạch, nó không phải lo cái gì cả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hạ Băng