+
Aa
-
like
comment

Làm sao “dọn rác” trong ý thức con người?

17/12/2019 07:18

Để giảm rác thải và xử lý được rác thải bị vứt bừa bãi trong môi trường thì đồng thời cũng phải “dọn rác” trong ý thức và trong tâm hồn của nhiều người, nhiều chủ doanh nghiệp…

Làm sao “dọn rác” trong ý thức con người? - 1

Sáng 16/12, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05), Công an thành phố Hà Nội thông tin, đã xác minh kẻ chủ mưu của vụ đổ chất thải tại núi Sú (thôn Lai Sơn) là Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1987, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Cường là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã môi trường Xanh Bắc Sơn.

Trước đó, trong ngày 15/12, PC05 phối hợp với Công an xã Bắc Sơn mời Nguyễn Văn Cường lên trụ sở công an xã Bắc Sơn để đấu tranh làm rõ. Giám đốc Hợp tác xã môi trường Xanh Bắc Sơn Nguyễn Văn Cường bước đầu đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình.

Đối tượng này cho biết, tháng 5/2017 mua về 7 tấn bụi, xỉ nhôm để bán kiếm lời nhưng không bán được nên đã đi tìm chỗ đổ. Đến tháng 7/2019, do mưa xói mòn, hai hố chứa bụi nhôm có hiện tượng sụt lún nên mới bị chủ đất phát hiện, trình báo cơ quan chức năng.

Người viết không đủ chuyên môn để đánh giá 7 tấn bụi, xỉ nhôm mà Nguyễn Văn Cường mua về có thể làm được những gì, nhưng việc mua chất thải về nhà mà không có tính toán đầu ra (không bán được), chứng tỏ bản thân anh này đã rất thiếu hiểu biết.

Sự thiếu hiểu biết đó không những làm hại bản thân anh ta mà còn vạ lây ra cả người dân trên địa bàn. Vì không thể tiêu thụ được chất thải (là hoá chất), anh ta nghĩ cách đổ trộm và tuỳ tiện thuê người chôn lấp tại mảnh đất của người khác. Đây là việc làm rất vô trách nhiệm, nguy hiểm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường 2014 có quy định rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”. Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí”.

Hành vi đáng xấu hổ, đáng lên án của Nguyễn Văn Cường khiến tôi nhớ đến những vụ việc rùng mình khác của nạn “rác tặc” đang hoành hành ở không ít địa phương, mà rúng động dư luận là vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà xảy ra vài tháng trước, đẩy hàng trăm nghìn hộ dân lâm vào tình cảnh lao đao do thiếu nước sạch. Trước đó là vụ Formosa (Hà Tĩnh) khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung; rồi vụ Vedan “giết” sông Thị Vải…

Hay như tình trạng đổ trộm chất thải công nghiệp ra khu vực giải phân cách của Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) trước đây cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều xã dọc theo tuyến đường này.

Chưa kể, hàng trăm, hàng nghìn vụ đổ trộm chất thải (trong đó có những chất thải độc hại) ra môi trường sông suối, đất đai… vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều địa phương trong cả nước.

Họ tưởng rằng, cứ khuất mắt thì ắt rằng vô hại. Rác thải cứ “quét” ra khỏi nhà mình thì môi trường sẽ được trong lành? Sự thiển cận trong suy nghĩ, tâm lý ích kỷ của một bộ phận người dân, doanh nghiệp đã khiến môi trường sống của chúng ta ngày càng trở nên ô nhiễm, làm hại cộng đồng và làm hại chính bản thân họ.

Hãy cứ tưởng tượng rằng, một người bán rau quả “ngậm” thuốc trừ sâu, chất kích thích rồi quay đi quẩn lại sẽ sử dụng phải thịt vượt quá dư lượng kháng sinh từ một người kinh doanh khác, rồi bị lừa dùng phân bón giả từ một cơ sở sản xuất kinh doanh gian lận ở đâu đó… Xã hội chúng ta rồi sẽ đi về đâu khi vận hành trên một nền tảng đạo đức bị bóp méo như vậy?

Để rồi bây giờ, khi đối mặt với nạn ô nhiễm trầm trọng, khi chứng kiến những loại bệnh tật nan y mới xuất hiện, liệu có ai đó trong những người đổ trộm, xả trộm chất thải kia sẽ tự vấn có trách nhiệm của chính họ trong đó?

Vậy nên, có lẽ rằng để giảm rác thải và xử lý được rác thải bị vứt bừa bãi trong môi trường thì đồng thời cũng phải “dọn rác” trong ý thức và trong tâm hồn của nhiều người, nhiều chủ doanh nghiệp…

Bích Diệp/DTO

Bài mới
Đọc nhiều