+
Aa
-
like
comment

Làm sao đếm hết những hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch khốc liệt này?

Thái Thanh - 22/09/2021 23:32

“Tôi đâu biết, cái vẫy tay đó là cái vẫy tay cuối cùng tôi chào con tôi. Tôi nghĩ, nó đi chống dịch, hết dịch rồi về, ai ngờ là chuyến đi cuối cùng…”, tiếng người mẹ chiến sĩ mất con vọng lên trong khi thắp hương lên bàn thờ của con khiến bao người xót xa.

Lực lượng Công an nhân dân – Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19

Chạy đua cùng thời gian để chiến đấu chống dịch Covid-19, ổn định công tác an xã hội, chăm lo đời sống người dân là những nhiệm vụ kép mà cán bộ chiến sĩ ngành Công an thực hiện xuyên suốt trong những tháng ngày dịch Covid-19 hoành hành.

Một năm cả nước chống dịch, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ đã nhiễm bệnh, 10 người hy sinh và biết bao nước mắt đã chảy xuống. Sẽ không có giấy bút nào có thể ghi lại hết tất cả những điều mà các chiến sĩ và gia đình đã lặng lẽ hy sinh, trao tặng cho cuộc sống này.

Chống dịch, tất cả các cán bộ chiến sĩ đều đóng quân tại đơn vị, bám địa bàn trực chiến, không được về nhà. Những khoảnh khắc bình yên, bữa cơm với gia đình, lời hứa với con cũng gác lại, nhường chỗ cho những ngày trực chốt, chống dịch, chạy đua cùng thời gian để hỗ trợ cho nhân dân.

Không hiếm những hình ảnh của các chiến sĩ, vì trực chiến chống dịch quá lâu, khi có dịp đi ngang nhà đã nhìn con trong vội vàng, nhìn từ xa qua tấm cửa kính rồi lại chạy đi. Những hình ảnh ấy đã khiến biết bao người lặng đi vì thương, vì xót. Điều ai cũng thấy ở tất cả các chiến sỹ, đó là sự hy sinh không chỉ là khoảng thời gian quý báu của đời người, hy sinh cả tuổi thanh xuân bên mái ấm gia đình, mà xót hơn là hy sinh cả cuộc đời cho cuộc chiến bảo vệ toàn dân.

Trong thời gian chống dịch, cả nước xót xa khi đêm 2-8, truy đuổi một thanh niên vì hành vi chống người thi hành công vụ, thượng úy Phan Tấn Tài (29 tuổi, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6, TP.HCM) đã bị người này ép té và hy sinh. Cũng trong cuộc chiến chống dịch này, đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, phó trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh hy sinh trong quá trình truy vết các ca F1, rồi bị lây nhiễm Covid-19.

Nhiều chiến sĩ công an đã nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, bỏ lại mẹ già, con thơ và còn nhiều nhiệm vụ với gia đình chưa hoàn thành. Điều thương xót nhất là, những chiến sĩ nhiệt huyết và xả thân, hy sinh giữa đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp có rất nhiều thiệt thòi. Đồng đội từ biệt bằng những cái chào vội vã, tạm nói lời chia tay, nén lại nỗi đau rồi phải quay về với đơn vị, thực hiện tiếp công tác chống dịch đang rất khốc liệt ở ngoài kia, và làm nốt những việc dở dang mà đồng đội mình ngã xuống.

Tuyến đầu cứ phải xông pha

Tháng 8- 2021, đó là thời điểm dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát dữ dội, con số nhiễm hàng ngày không còn là đơn vị hàng trăm mà chuyển sang nghìn. Bệnh viện quá tải, người dân muốn rời thành phố chạy về quê, lời xuyên tạc về công tác chống dịch bị các đối tượng chống phá tung mù mịt trên không gian mạng, những lời kích động người dân biểu tình, chống đối lực lượng tuyến đầu… Trong hoàn cảnh này, chứng kiến các chiến sĩ vừa căng mình vừa trực chốt chống dịch, vừa chuyển quà, lương thực tiếp sức cho từng người lao động thất nghiệp, người yếu thế, vừa đấu tranh đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc… Áp lực yêu cầu sự nỗ lực cao, đồng đội và người nhà chỉ có thể tiếp sức bằng lời động viên cố gắng.

Từ ngày 20-8 đến 2-9, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã tham gia kiểm tra và đưa ra nhiều chỉ đạo nổi bật từ tâm dịch. Thứ trưởng đã tham mưu Thủ tướng đưa ra nhiều biện pháp chỉ đạo chống dịch sát hợp với tình hình các địa phương. Trong ảnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiểm tra Bệnh viện dã chiến Phước Lộc của Bộ Công an tại huyện Nhà Bè.

Để đảm bảo an ninh trật tự, ổn định đời sống dân sinh, đó là câu chuyện dài, mà có lẽ chỉ ai “nằm gai nếm mật”, trong cuộc mới cảm giác rõ. Để những nỗ lực không trở thành bất lực, các chiến sĩ đã chạy đua cùng thời gian để chu toàn mọi việc. Không chỉ chống dịch, ổn định an ninh trật tự, mà song song đó, công an tăng cường sự rà soát kịp thời trước những bức xúc của người dân, “truy vết” ngăn chặn kịp thời các vụ việc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” móc nối tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng ở quận 6, quận 11, TP.Thủ Đức.

Hàng loạt các vụ việc chấn động khác, tiêu cực trong hoạt động cấp phát gói hỗ trợ bởi dịch Covid-19 cho người lao động đã được Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã phát hiện kịp thời, chấn chỉnh những nhiễu nhương. Trong đó, có vụ bắt tạm giam cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức khi tự tiện với tiền hỗ trợ bởi dịch Covid-19. Chấn động hơn Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát hiện Huỳnh Hồng Sơn đã lợi dụng vị trí công tác là thành viên Hội đồng thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để cấu kết với một số cá nhân lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ sai quy định, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Sơn tự ý thêm tên nhiều người thân của mình vào dù những người này không đủ điều kiện và thuộc diện được hỗ trợ.

Chống dịch, trong muôn vàn sự khó khăn, nhiều công tác phải thực hiện thì càng sáng lên câu chuyện tình người, tình đồng chí và quyết tâm dập dịch. Cũng trong thời điểm tháng 8-2021 đầy khốc liệt này, đầu cầu Hà Nội đã hỗ trợ lực lượng, tăng cường cho công tác chống dịch tại TP.HCM. Sự hướng về không chỉ giúp dân mà còn là sự tiếp sức dành cho đồng đội của mình. Chính cái tình đồng chí, đồng đội của người lính, chiến đấu hết sức lực đã đẩy lùi biết bao “điểm đen”, khơi thông hàng nghìn điểm sáng, không chỉ ở chốt kiểm dịch mà còn ở nhà dân, giúp dân an tâm ở nhà chống dịch, yên tâm thực hiện theo chiến lược chống dịch của toàn thành phố và đạt nhiều kết quả khởi sắc của ngày nay.

Ngày 21-9, “TP.HCM giảm dần các bệnh viện dã chiến” – đó là thông tin phản chiếu nhiều thông điệp, trong đó nổi bật là sự kiểm soát được dịch, một phần cống hiến không thể thiếu sự dấn thân của chiến sĩ áo xanh nơi tuyến đầu. Điều đó được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết từ cuối tháng 8-2021: “Tôi đã theo dõi và thấy lóe lên nhưng hy vọng sáng sủa hơn khi có lực lượng vừa được tăng cường vào TP.HCM. Nhìn những hình ảnh trên sóng truyền hình và báo chí mà thấy yên tâm và rất ấm lòng. Chính họ đã mang đến nơi hiểm nguy nhất một niềm tin về biện pháp chống chọi với đại dịch”.

Dịch bệnh rồi sẽ dần được đẩy lùi, sẽ đi qua, có thể những nỗi đau sẽ dần được xoa dịu nhưng chắc chắn, những gì mà chiến sĩ cống hiến, đã làm cho nhân dân sẽ được người dân khắc ghi. Sự anh dũng và tấm gương dấn thân của các cán bộ chiến sĩ sẽ được đời đời nhắc đến, không chỉ qua những lời tiếc thương, tưởng niệm, mà còn hơn thế nữa là đi vào lòng người, sống mãi theo dòng thời gian, lịch sử năm, tháng.

Thái Thanh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều