+
Aa
-
like
comment

Làm sao để vừa bảo vệ độc lập chủ quyền vừa không để xảy ra chiến tranh?

Han Cao - 17/06/2020 16:20

Bảo vệ chủ quyền độc lập chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Từ khi các hình thái nhà nước đầu tiên xuất hiện vấn đề chiến tranh xâm lược, tranh giành lãnh thổ luôn xảy ra. Kể từ khi Việt Nam thống nhất Nam Bắc năm 1975 các vấn đề về biên giới, hải đảo liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Làm sao để vừa bảo vệ độc lập chủ quyền vừa không để xảy ra chiến tranh?

Như chúng ta đã biết chuyện Trung Quốc lăm le biên giới hải đảo của ta không chỉ ngày nay mới có mà trong lịch sử đã hiện hữu. Sau dịch bệnh Covid-19 âm mưu thôn tính biển Đông theo hình “lưỡi bò” phi lý đã cụ thể, chi tiết hơn bằng hàng loạt các hành động khiêu khích. Nước bạn đã thể hiện rõ bằng hành động thực tế nhằm độc chiếm biển Đông, mặc cho các nước làng giềng có chủ quyền, lợi ích ở đó lên tiếng phản đối.

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề biển Đông không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mà còn có sự liên quan của nhiều nước khác khi “đường lưỡi bò” phi lý đi qua.

Một số nước Asean có tuyên bố với vấn đề biển Đông như: Philippines, Malaysia và Brunei. Còn Mỹ hiện diện như “một cảnh sát thế giới” bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông.

Hạn chế nguy cơ, nắm bắt thời cơ

Chuyện đã rõ như ban ngày như vậy, cách giải quyết nào cho Việt Nam là khôn ngoan nhất? Làm sao để giữ được chủ quyền biển đảo mà không để xảy ra chiến tranh? Không chỉ người dân Việt Nam trong nước quan tâm, mà người Việt Nam ở nước ngoài cũng hết sức sục sôi hướng về quê hương biển đảo. Nhiều luồng ý kiến phiến diện cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa thực sự quan tâm, chưa có biện pháp cứng rắn với những hành vi của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam có chủ quyền. Hoặc những ý kiến chỉ trích Nhà nước Việt Nam không có động thái quyết liệt đáp trả.

Quần chúng chỉ là những người đứng ngoài nhìn nhận và phán xét, lượng thông tin về tình hình biển Đông không đầy đủ, đa chiều. Cộng thêm tinh thần ái quốc nhiệt thành mù quáng chỉ làm tình hình thêm rối ở trong nước. Có bao giờ ta tự hỏi lãnh đạo Đảng, Nhà nước không phải máu đỏ da vàng ư? không phải người dân nước Việt ư? không yêu nước ư? Họ là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên nhờ đất mẹ Việt Nam và họ rất yêu nước. Họ yêu nước bằng một trái tim nhiệt thành, ấm nóng và bằng một “cái đầu lạnh”.

Giả sử người đứng đầu, người lãnh đạo cũng sốc nổi, hành động thiếu chín chắn, phát ngôn thiếu suy tính cục diện liệu đất nước có được thái bình, ổn định như hiện nay? Nếu người lãnh đạo đất nước không có “cái đầu lạnh” tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin và phát ngôn thì thật thảm cho đất nước đó.

Cách mạng tháng Tám thành công là nhờ Đảng ta nắm bắt thời cơ nhanh chóng và hạn chế tối thiểu nguy cơ sau đó. Nếu không dựa trên tình hình phe Đồng Minh thắng phát – xít trên thế giới và Việt Nam là một bộ phận đứng về phe đồng mình thì chúng ta không thể chính danh giành quyền kiểm soát từ tay phát – xít Nhật thời bấy giờ. Hãy nhớ chúng ta giành độc lập từ phát – xít Nhật, chứ không phải thực dân Pháp. Và chúng ta giành chính quyền nhanh một cách mà người Pháp còn ngỡ ngàng (khi đó Việt Nam vẫn thuộc Liên bang Đông Dương do Pháp cai trị)

Ngay sau đó Chính phủ Cách mạng lâm thời yêu cầu triều đình phong kiến của vua Bảo Đại thoái vị. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi Đảng ta cùng nhân dân đã giành được độc lập, tự do cho dân tộc một cách chính danh. Nhưng để bảo vệ thành quả Cách mạng non trẻ đó, Đảng ta đã phải tính toán để hạn chế tối đa các nguy cơ. Chính vì thế ngay sau đó Đảng đã có chủ trương rút vào sâu để thực hiện kháng chiến trường kỳ.

Tương tự vậy, vấn đề biển Đông chúng ta vừa có nguy cơ, vừa có cơ hội. Trong khu vực này không chỉ Việt Nam có lợi ích hợp pháp mà còn liên quan đến nhiều nước khác trong Asean, ngay cả Mỹ ở điểm cực kia của địa cầu cũng có hành động can thiệp nhằm bảo vệ tự do hàng hải và lợi ích của người Mỹ ở khu vực biển quốc tế gần đó.

Dựa trên các động thái từ trước đến nay chúng ta thấy Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông để thực hiện khát vọng “cường quốc biển”, chiến lược “một vành đai, một con đường”. Việt Nam không thể đánh mất chủ quyền biển đảo và càng không mong muốn có chiến tranh. Đây là một bài toán khó cần có sự tiên liệu và chuẩn bị tất cả các phương án có thể để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong bối cảnh như vậy, việc nắm bắt thời cơ để khẳng định chủ quyền là rất quan trọng. Thời cơ đến rất chóng vánh và không ngờ, người có thể chớp được thời cơ không ai khác ngoài Đảng và Nhà nước ta. Đây là chính thể có tiếng nói đại diện cho nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm khối đại đoàn kết dân tộc. Hơn nữa thông tin và tình hình các bên, Đảng và Nhà nước ta nắm rõ và kịp thời hơn bất kỳ cá nhân tổ chức nào trên lãnh thổ Việt Nam. Và đây sẽ là người nắm bắt thời cơ trong vấn đề biển Đông. Ở mức độ cao hơn là biến các nguy cơ thành cơ hội cho Việt Nam. Điều này không phải là viễn vông khi trong lịch sử Cách mạng Đảng ta đã làm được.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều