Làm sao để người nghèo bớt vẫy vùng trong giấc mơ an cư lạc nghiệp ở phố thị?
Hôm nay, người bạn tôi đến chào tạm biệt để đưa cả gia đình về quê sau 10 năm chen chân ở thành phố kinh tế lớn nhất cả nước. Cả gia đình phải ra đi vì con cái đang tuổi lớn, cần có không gian riêng mà hai vợ chồng cố gắng mãi cũng vẫn không thể sở hữu một ngôi nhà nhỏ. Ánh mắt bất lực của anh khiến tôi trăn trở mãi câu hỏi làm sao để người nghèo bớt vẫy vùng trong giấc mơ an cư lạc nghiệp.
Thực ra người nghèo là nói quá nhưng giấc mơ sở hữu nhà bạc tỷ đối với người thu nhập thấp ở thành phố là quá xa vời. Bởi giá nhà đất bị “thổi” đến mức người có mức thu nhập trung bình “sờ” vào còn bỏng tay huống chi người có thu nhập thấp. “Bỏng rát” tới mức, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa phải thốt lên rằng, “4 năm trước, người dân Việt Nam cần 35 năm để mua một căn hộ, hiện tại con số là… 57 năm!“.
Ngay cả đối với nhà ở xã hội cũng là quá tay, bởi mỗi căn có giá thấp nhất cũng đã là 1 tỷ đồng. Trong khi đó thu nhập bình quân của công nhân chỉ từ 4-6 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản tăng ca. Nếu người mua được vay 70% giá trị căn hộ thì với những gia đình hai vợ chồng làm công nhân, phải tiết kiệm cật lực trong khoảng 10 năm mới để dành được 30-40%, đấy là với điều kiện giá nhà đứng yên. Trong khi thực tế hiện nay, giá xăng tăng khiến các mặt hàng cũng thi nhau đội giá, ngay cả người có thu nhập trung bình cũng đã cảm thấy chóng mặt huống hồ là công nhân.
Mặc dù, nhà ở xã hội là một trong những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và cả TP.HCM để giúp công nhân – một trong những tầng lớp lao động chính trong xã hội yên tâm lao động. Thế nhưng, khi đưa vào triển khai nó vẫn chưa giải quyết được cơ bản vấn đề an sinh nhà cửa. Bởi nói thẳng, với những quy định và chính sách đi kèm hiện tại, các nhà đầu tư thậm chí các địa phương sẵn sàng chấp nhận đóng phạt để loại bỏ dự án nhà ở xã hội trong kế hoạch của mình. Và cuối cùng cứ mãi luẩn quẩn vòng lặp, chỉ đạo, nộp phạt… Chính vì vậy, thiết nghĩ cần có những biện pháp linh hoạt cả mềm dẻo và mạnh tay như sau:
Cho người có thu nhập thấp thuê nhà dài hạn
Nhà ở xã hội không phải chỉ là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam mà với tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi nước đều có một cách hay để chúng ta tham khảo. Họ hàng tôi ở Thụy Sĩ gần 70 tuổi nhưng vẫn ở nhà thuê nhưng họ vẫn cảm thấy tự do và vui vẻ. Bởi ở đây phát triển một hệ thống cho thuê nhà dài hạn với những điều khoản rõ ràng và tất nhiên rất có lợi cho người thuê nhà. Đăc biệt, gói ưu đãi sẽ càng lớn dành cho người có nhu cầu thuê nhà càng lâu.
Tại Nga có những khu tập thể do Hội đoàn phụ nữ đầu tư. Nó cũng gần tương tự như Công Đoàn ở Việt Nam. Và những người lao động thuộc phạm vi của họ quản lý sẽ được ưu đãi mức thuê nhà rất lớn. Từ đó, tạo động lực giúp duy trì, ổn định nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cũng như tạo đà tăng trưởng. Việc đầu tư này xét về lợi ích kinh tế thì không bao giờ thiệt hại.
Từ đó có thể thấy, tại sao chúng ta không suy nghĩ đến việc, thay vì cứ cố xây dựng căn hộ để bán thì có chính sách giúp các nhà đầu tư suy nghĩ đến việc cho người lao động thuê dài hạn. Tại sao cứ phải cứng nhắc quy định doanh nghiệp cắt 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội? Trong khi đó chúng ta có thể cho họ một sự lựa chọn khác, là có một tỷ lệ nhất định nhà cho người có thu nhập thấp thuê.
Đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản
Thực ra việc giá nhà tăng vọt đến bất thường cũng là từ các nhà đầu tư ôm đất. Một điểm rất khác của thị trường bất động sản so với các thị trường khác, đó là hai đường cung – cầu có thể không còn giao nhau mà đi song song. Hiện tượng này xảy ra khi giá bất động sản lên cao tới mức người ta có đất, có nhà nhưng không bán, tiếp tục kỳ vọng giá sẽ còn cao hơn nữa. Và nếu như kéo dài sẽ tạo ra những bong bóng bất động sản gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Cũng như chính giá trị thực tế của bất động sản ở thời điểm hiện tại.
Chính vì thế, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần “đặc trị” hiện tượng “sốt đất”, giúp giá nhà, đất bình ổn lại. Đặc biệt, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao.
Việc đánh thuế nhà, đất cao sẽ giúp ngân sách nhà nước có được nguồn đóng góp lớn từ người dân. Bởi thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, từ đó ngân sách có một một khoản không nhỏ để tung ra các gói ưu đãi với đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương như nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, phải làm sao cho người dân hiểu rằng, đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách nó. Có như vậy thì mới nhận được sự đồng lòng và ủng hộ của người dân. Bởi thực tế chẳng có luật nào quy định người dân không được sở hữu nhiều bất động sản cả.
Với tốc độ phát triển của Việt Nam, một thời gian nữa sẽ rất cần một lực lượng lao động lớn ở các khu công nghiệp hoặc các nhà máy lớn. Thế nhưng, đất lành thì chim mới đậu, nếu không vội vã thì đàn chim tan tác về quê sống lay lắt trên đồng ruộng còn thành phố cũng hoang tàn theo đó mà thôi!
Công Luân