+
Aa
-
like
comment

Làm sao để mặt trời luôn tỏa nắng trên đầu?

28/09/2020 09:41

Việt Nam đang đặt ra những mốc thời gian và các chỉ tiêu kinh tế cụ thể với khát vọng chuyển sang quốc gia có thu nhập cao điều mà không nhiều quốc gia làm được. Khát vọng đó cần được tiếp sức như thế nào?

Cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát trên toàn thế giới, Ngân hàng Thế giới đưa ra một nhận định tươi sáng cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong báo cáo Điểm lại về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, định chế này khẳng định: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.

Tăng trưởng bị ảnh hưởng

Thực ra, những nhận xét tích cực đó của Ngân hàng Thế giới là không xa lạ với Việt Nam trong nhiều năm nay, cho dù cách đây 11 năm, định chế này từng đưa ra tính toán trong báo cáo Phát triển Việt Nam 2009 là Việt Nam tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Làm sao để mặt trời luôn tỏa nắng trên đầu?
Chúng ta từng đặt mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa đất nước năm 2020 nhưng rồi lỡ hẹn.

Bài học đó phải được phân tích, mổ xẻ ngay từ bây giờTăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 tới 7,02%, theo Tổng cục Thống kê, thậm chí còn cao hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực.

Tăng trưởng cao, tuy không phải là thước đo duy nhất cho phát triển và thịnh vượng, ở góc độ nào đó thể hiện khát khao Việt Nam bắt kịp khoảng cách về kinh tế với các quốc gia đi trước.

Song, đáng tiếc là sang năm 2020, đại dịch Covid-19 tràn lan trên thế giới, làm các quốc gia phong tỏa, các nền kinh tế đóng cửa và cách ly, các chuỗi cung ứng đứt gãy và nhu cầu lao dốc… làm ảnh hưởng nặng tới nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế năm nay, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và ước chỉ đạt khoảng 1,69 2,12%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đặt ra từ cuối năm ngoái. Dù mức tăng trưởng dự báo này dương trong khi nhiều quốc gia dự báo có mức tăng trưởng âm, tốc độ này vẫn là thấp nhất kể từ khi Đổi mới.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, mức tăng trưởng năm 2020 như trên đã kéo tụt thành tích tăng trưởng của Việt Nam: Tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn 2010-2020 dự kiến chỉ còn còn 5,9%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 6,4% của cả giai đoạn.

Như vậy, suy giảm kinh tế của năm Covid-19 đã tác động khá lớn đến tăng trưởng của Việt Nam, và sự ca ngợi của Ngân hàng Thế giới hẳn là chỉ cho thời điểm năm 2019.

Bẫy thu nhập trung bình đang giăng ra

Những thành tựu kinh tế của chúng ta trong hơn 3 thập kỷ qua thật đáng tự hào, không ai có thể phủ nhận. Xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đã đưa tỷ lệ dân số lớn nhất trong một quốc gia thoát khỏi đói nghèo, từ mức khoảng 60% những năm 1990 xuống còn vài phần trăm gần đây.

Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải nhìn vào thực tại, vào những điểm mạnh/yếu của mình trong tương quan với các quốc gia trong khu vực, hay trên thế giới thay vì chỉ so với chính mình trong quá khứ.

Năm 2008, khi GDP đầu người đạt 1.070 USD, Việt Nam đã chính thức đặt chân vào nhóm các quốc gia thu nhập trung bình. Năm ngoái GDP đầu người đạt khoảng 2.700 USD, tức trong hơn 11 năm, tăng khoảng 1.600 USD.

Muốn tiến lên mức thu nhập trung bình cao 4.000 USD/người thì GDP phải tăng lên là 400 tỷ USD, từ 266 tỷ USD năm ngoái. Nếu tăng trưởng trung bình khoảng 6-7%, sẽ mất 10 năm để đạt mức GDP như vậy.

Vấn đề là mọi con đường không bao giờ là bằng phẳng.

Làm sao để mặt trời luôn tỏa nắng trên đầu?
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng tới nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam

Ngay từ năm 2014, Giáo sư người Nhật Bản Kenichi Ohno, người đã gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm, đã đưa ra cảnh báo: “Bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam”.

Ông chỉ ra 5 triệu chứng, trong đó quan trọng nhất là tăng trưởng chậm lại. Ở quốc gia đông dân và dân số trẻ như Việt Nam, với 70% dân số dưới 35 tuổi, theo Ngân hàng Thế giới (WB), khi tăng trưởng chậm còn 5-6% thì tâm trạng toàn xã hội trở nên ảm đạm, đất nước trải qua một giai đoạn với bong bóng bất động sản xì hơi, lạm phát, nợ xấu và mở rộng khoảng cách thu nhập. “Nếu tăng trưởng giảm sâu hơn nữa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với già hóa, gánh nặng an sinh xã hội và các vấn đề xã hội khác mà không bao giờ đạt thu nhập cao”.

Khát vọng… 25 năm

Nhắc lại cảnh báo của ông Ohno để thấy, Việt Nam đã may mắn và nỗ lực như thế nào khi tăng trưởng GDP đều trên 7% trong năm 2018, 2019. Tăng trưởng, nói gì thì nói, là động lực chính giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia đi trước. Không có tăng trưởng, như năm Covid này, làm sao chúng ta bắt kịp họ?

Theo báo cáo Việt Nam 2035, với kịch bản tăng trưởng cao nhất trên 7%/năm, GDP theo đầu người của Việt Nam năm 2035 sẽ tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013 và đuổi kịp Indonesia và Philippines.

Đáng tiếc, tốc độ tăng trưởng 7% trung bình đó chưa bao giờ kéo dài lâu. Giai đoạn tăng trưởng cao nhất là những năm thập niên 1990, khi đất nước vừa cải cách và mở cửa, và nền kinh tế bung ra như lò xo nén chặt. Còn sau này, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của thu nhập đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990-2014, theo tính toán của Chính phủ và WB.

Như vậy, nền kinh tế và thu nhập đầu người vẫn đang còn khoảng cách rất lớn với nhiều quốc gia láng giềng, trong khi nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.

Theo WB, những nền kinh tế có thu nhập cao là những nền kinh tế có GNI bình quân đầu người từ 12.536 USD trở lên. Với GDP đầu người khoảng 2.800 USD hiện nay, và mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao năm 2045, Việt Nam còn có quá nhiều việc phải làm trong vòng 25 năm tới.

Dân số  dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân tới năm 2050. Tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026, tức là Việt Nam đang chứng kiến thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội.

Vì thế, cả nền kinh tế và xã hội Việt Nam vẫn còn không gian mênh mông để tăng trưởng và phát triển, để duy trì “mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam” nếu biết khắc phục các điểm nghẽn mang tính cơ cấu, nội tại.

Chúng ta từng đặt ra mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa đất nước năm 2020 nhưng rồi đã lỡ hẹn. Bài học đó phải được phân tích, mổ xẻ ngay từ bây giờ.

(Còn nữa)

Tư Giang

Bài mới
Đọc nhiều