+
Aa
-
like
comment

Làm sao cho nhân dân miền Trung bớt khổ vì lũ lụt?

Hải Anh - 20/10/2020 18:48

Những ngày qua là những ngày đau thương của dân tộc Việt Nam khi mảnh đất ruột thịt Miền Trung liên tục dồn dập với những tin xấu về hậu quả của lũ lụt, sạt lở đất cướp đi biết bao sinh mạng và tài sản của nhân dân. Ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh cụ già chống cuốc đứng thất thần, vô cảm nhìn mọi thứ chung quanh. Ánh mắt bất lực nhìn mọi thứ bị lũ cuốn đi luôn hiển hiện trong tâm trí. Đau thương mất mát này không phải chỉ năm nay, nó đang và sẽ xảy ra hàng năm và năm sau mức độ tàn phá lại càng mạnh hơn năm trước. Thiết nghĩ chúng ta cần tính giải pháp lâu dài cho bài toán ngập lụt ở miền Trung.

Cần chú trọng đầu tư hơn trong công tác cứu hộ

Trong thời điểm lúc này, công tác cứu hộ, cứu nạn là cứu cánh duy nhất đối với những người dân bị ngập nhà cửa. Những lời kêu cứu thảm thiết trên mạng xã hội khiến chúng ta không khỏi xót xa, những người làm công tác cứu hộ cũng đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình hình. Hơn nữa hiện nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa được trang bị các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ một cách đầy đủ đầy đủ, hiện đại. “ Vẫn biết là phải cố gắng bằng mọi cách, mọi biện pháp để xử lý tốt tình huống nhưng thiếu phương tiện, thiếu con người, các chiến sỹ phải cứu hộ, cứu nạn dựa trên kinh nghiệm là chính… vì thế đã có những hạn chế nhất định. Chính thực trạng này đang gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cán bộ, chiến sỹ làm công tác cứu hộ khi thực thi nhiệm vụ…” – Trung tá Phạm Văn Phước, Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp đơn vị PCCC & CHCN tỉnh Quảng Bình từng nói.

Do đó, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vận động tăng cường ca-nô, tăng cường lực lượng cứu hộ, nếu có thể xin trực thăng quăng áo phao cho đồng bào khu vực miền Trung. Những ai trong khu vực nguy hiểm có thể sẽ không còn cơ hội nếu không có áo phao hay có ca-nô để di tản. Dù sự tinh nhuệ của lực lượng cứu hộ một yếu tố rất quan trọng, nhưng nếu có điều kiện cứu hộ tốt hơn để giữ an toàn cao nhất tính mạng con người – cho lực lượng cứu hộ lẫn người cần cứu vẫn là một lựa chọn ưu tiên số một.

Thuỷ điện xả lũ cần kiểm soát chặt chẽ

Hiện nay các tỉnh miền Trung đang ngập nặng, dự kiến sắp tới bão số 8 đang đổ bộ, do đó, một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung đã và đang xả lũ. Trong khi đó, ở vùng hạ du, nhiều nơi vẫn còn đang bị ngập nặng. Vì vậy, việc xả lũ của các nhà máy thủy điện cần phải được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, tránh gây lũ chồng lũ và phải có những dự báo quy trình xả lũ bắt buộc, hợp lý, để giúp cho hạ lưu không có những đợt lũ đột ngột, khiến người dân không đề phòng kịp.

Đặc biệt công tác dự báo cũng hết sức quan trọng trong việc xả lũ cũng như vận hành hồ chứa. Nếu dự báo càng chính xác thì càng đưa đến quyết định tích – xả chính xác. Hiện tại, các trạm đo thủy văn ở thượng nguồn còn khá hạn chế sẽ khó có thể dự báo chính xác được lũ về. Do đó phải tăng cường các trạm thủy văn, đặc biệt là ở đầu nguồn của các hồ chứa, để có các dự báo tương đối chính xác hơn, thì khi lũ về, các trạm đo mưa trên thượng nguồn, người ta dự báo, thì ở các hồ chứa người ta mới biết là dự báo mưa bao nhiêu, khi đó mới đưa ra quy trình xả nước hợp lý được.

Công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung cần đặc biệt chú ý việc điều hành, điều tiết, cắt lũ phải rất “nghệ thuật” để tránh các thiệt hại lũ chồng lũ do xả lũ. Hơn nữa, cần chú trọng thông tin xả lũ đến với nhiều khu vực dân cư. Những thiệt hại nặng nề tại các vùng hạ du đối với sản xuất và đời sống trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan cũng có, trong đó có việc nhân dân chưa nắm bắt kịp thời thông tin về xả lũ dẫn đến bị động trong việc phòng tránh, di dời tài sản.

Không chỉ vậy, cần phải thiết lập hệ thống cảnh báo phù hợp với từng vùng hạ du, trong đó phải tính đến những vùng đặc thù về địa hình; cần thiết phải xây dựng mỗi xã một hệ thống còi hụ để nhân dân biết và phòng tránh; nâng thời gian cảnh báo xả lũ lên hơn 2g so với quy định hiện nay; ở những vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt khi có xả lũ phải có phương án lâu dài là tái định cư, đưa dân đến nơi cao ráo hơn.

Hơn hết, bà con vùng lũ cùng cần có các biện pháp chủ động tự bảo vệ mình trong mùa lũ lụt như: Luôn mặc áo phao hoặc chai, lọ quanh người đề phòng gió hoặc nước bất ngờ ập tới; Tránh xa những nơi nước chảy mạnh và xoáy, không được chủ quan đi lại vì sức nước rất mạnh; Dự trữ thức ăn kể cả đối với bà con tiếp tế điều quan trọng nhất là chất sơ và tinh bột chứ không phải mỳ tôm. Tinh bột sẽ giúp con người cầm cự được lâu ngày; Luôn mang theo sợi dây thừng buộc quanh người để di chuyển phòng trường hợp khẩn cấp cứu bạn hoặc người khác; Mưa kéo dài nhiều nơi bị cô lập nên vị trí an toàn nhất là các đồi, núi cao. Nhà ở tầng 2 chưa an toàn nên cố gắng di chuyển sớm càng tốt; Tránh xa hạ nguồn các đập, hồ chứa nước, các vị trí đang có dấu hiệu sạt lở vì nơi đó nguy hiểm rất cao.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều