Làm rõ chuyện ngư dân “cầu cứu” cảnh sát biển trước sự xuất hiện của hai tàu cá Trung Quốc sát bờ biển Việt Nam
Mới đây, FB ngư dân Ngư Lộc đã đăng tải một đoạn video “kêu cứu” về việc có hai tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vào sát bờ biển Việt Nam để đánh bắt, cách đảo Cát Bà, Hải Phòng chỉ 35 hải lý về phía Nam nhưng không thấy cảnh sát biển Việt Nam ra chấp pháp.
Cụ thể video này đã được ngư dân Ngư Lộc đăng tải hôm 10/4 và đến nay nó được RFA, Việt Tân và một số đối tượng mang ra mổ xẻ. Nói là “hai tàu cá Trung Quốc vào sát bờ” và anh ngư dân Ngư Lộc “kêu cứu”, nghe có vẻ như tình hình rất căng thẳng, cấp bách nhưng hành động cũng như lời nói chậm rãi của anh ngư dân này lại khiến người xem không cảm thấy vậy. Cứ cho đó là tàu cá Trung Quốc thật đi thì tại sao anh không nhanh chóng gọi điện đàm báo về đất liền hay với lực lượng chấp pháp? Mỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam ra khơi đánh bắt đều có trang bị đủ thiết bị liên lạc, thậm chí có cả số điện thoại liên hệ lực lượng chấp pháp khi cần thiết. Thay vì gọi báo thì anh ta lại rất dửng dưng, bình thản ghi hình rồi tung lên mạng xã hội. Đã vậy còn liên tục réo tên cảnh sát biển trong video nhưng cảnh sát biển là bám biển, chứ có ai rảnh bám livestream, bám MXH mà nghe được lời cầu cứu của anh.
Từ xưa đến nay, mỗi ngư dân, mỗi con tàu ra khơi là một cột mốc sống trên biển, họ góp công góp sức mình cùng với lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mỗi khi ngư dân Việt Nam căng buồm ra khơi, họ cũng được hỗ trợ và bảo vệ khi gặp sự cố ngoài khơi. Đó là khi ngư dân gặp giông bão được hải quân và cảnh sát biển cứu sống, là khi tàu chết máy hết dầu được lực lượng chấp pháp tiếp tế, là khi ngư dân đánh bắt vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam, xâm phạm ngư trường nước bạn bị lực lượng chấp pháp nước bạn rượt đuổi, bắt giữ, gây khó dễ thì không ai khác, chính lực lượng chấp pháp của nước ta đã có mặt kịp thời để giải vây. Từ khó khăn, hoạn nạn mà nảy sinh tình quân dân thêm gần gũi. Giá như ở thời điểm xuất hiện hai tàu cá Trung Quốc mà anh ngư dân Ngư Lộc cũng nghĩ đến cái tình đó, nghĩ đến lợi ích của đất nước mà báo cho lực lượng chấp pháp nắm tình hình, kịp thời ứng phó thì tốt biết nhường nào.
Khi video của anh ngư dân Ngư Lộc được đăng tải, có thể thu hút rất nhiều người xem, anh cũng được người khác quan tâm theo dõi nhiều hơn. Nhưng thật đáng trách, chính anh cùng video của anh đã tạo cơ hội cho trang RFA Tiếng Việt, Việt Tân và một số thành phần đang chống phá chính quyền lợi dụng, xuyên tạc về cảnh sát biển Việt Nam. Trong khi, cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng, kiểm ngư,… chính là những lực lượng, những con người đang không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Bất kể đêm ngày, họ tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho nhiều ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Một video “cầu cứu” hời hợt của ngư dân Ngư Lộc không khác gì mũi tên bắn về lực lượng chấp pháp Việt Nam cả. Nguy hiểm hơn, nó là cái cớ dể cho các thành phần chống phá phủ nhận mọi nỗ lực bảo vệ chủ quyền của đất nước ta trong thời gian qua.
Ông cha ta đã chiến đấu và hy sinh để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển, đảo Việt Nam, để truyền lại cho con cháu muôn đời. Bác Hồ cũng từng căn dặn rằng: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thế nên, bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày nay là trách nhiệm chung của mỗi người dân. Còn những kẻ như RFA Tiếng Việt, Việt Tân và một số đối tượng đã không làm được gì cho biển đảo Việt Nam thì hãy thôi chiêu trò “đục nước béo cò”, “tát nước theo mua”. Bộ mặt thật của họ chưa xấu hay sao?
Đặng Trường