+
Aa
-
like
comment

Lạm quyền: Góc khuất môi trường giáo dục!

Hạnh Phúc - 20/12/2022 13:52

Bức xúc trước những hành vi của bà Đỗ Thị Oanh, nữ hiệu trưởng trường mầm non Hoa Lan (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), hàng chục giáo viên trong trường đã làm đơn tố cáo. Sự việc “hiệu trưởng lạm quyền – giáo viên tố cáo” đã kéo theo nhiều góc khuất của ngành giáo dục được gọi tên.

Trường Mầm non Hoa Lan (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông)

Còn nhớ năm 2016, báo chí cũng vào cuộc phản ánh vụ việc các giáo viên nữ tại một trường mầm non thuộc tỉnh Hà Tĩnh được điều động đi tiếp khách uống rượu hát hò với khách. Những hành động ôm vai bá cổ, lấn lướt lợi dụng nhưng giáo viên khó thể tỏ thái độ vì sợ mất lòng quan khách và cấp trên. Ông Lê Bá Thiềm – Trưởng phòng GDĐT Thị xã Hồng Lĩnh lúc ấy xác nhận có điều động nữ giáo viên như trên, ông giải thích: “Trong các bữa tiệc, rượu vào thì lời ra, ai đó có hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”. Khi có phát ngôn phản cảm như thế, chính vị trưởng phòng giáo dục kia cũng quên mất mình là một người thầy và môi trường giáo dục không chấp nhận “chuyện bình thường trong cuộc sống” như thế. Và điều đáng nói là ngay ở thời điểm vàng của công cuộc chấn hưng giáo dục rộng khắp, năm 2022, “chuyện bình thường trong cuộc sống” ấy lại diễn ra tại tỉnh Đắk Nông.

Hiệu trưởng phân công giáo viên đi tiếp khách, bắt giáo viên rửa xe hơi cho mình, la mắng xúc phạm giáo viên… là những biểu hiện của lề thói “hách dịch cửa quyền” – được xem là ung nhọt của chế độ. Năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý cán bộ công chức viên chức và những quy định về quy tắc ứng xử trong nhiều lĩnh vực nhằm loại bỏ tận gốc rễ lề thói ấy. Tuy nhiên, từ sự việc hiệu trưởng trường mầm non Hoa Lan, nhiều góc khuất của ngành giáo dục được đưa ra ánh sáng. Trong môi trường giáo dục, thủ trưởng đơn vị cậy quyền, lạm quyền chèn ép chà đạp cấp dưới phải chăng là hiện tượng không hiếm gặp? Vì chén cơm manh áo, vì thân cô thế yếu, được mấy giáo viên dám đứng lên tìm lấy lẽ công bằng. Để rồi, người làm thầy trở nên hèn kém thụ động trong tư duy của “con sâu cái kiến” nhẫn nhịn sống giữa môi trường độc hại.

Hơn bất kỳ ngành nghề nào, cụm từ “trong sạch môi trường” ở lĩnh vực giáo dục là rất cần thiết. Đó là môi trường của những người thầy đức cao trí trọng làm nhiệm vụ tạo lập tương lai cho đất nước. Đơn giản vì “không ai có thể lấy nước ở chiếc giếng cạn khô”, thầy sẽ không thể cho trò sự sự quả cảm kiên quyết trước điều xấu xa tệ hại nếu bản thân họ nhu nhược yếu hèn. Nếu thiệt thòi và bất công, bản thân người thầy phải lên tiếng để thay đổi, làm trong sạch môi trường vì mục tiêu chấn hưng giáo dục lâu dài. Nhìn thẳng – nói thật và nghiêm khắc chấn chỉnh trong tâm thế chân thành xây dựng và đổi mới là điều quan trọng trong bất kỳ thời điểm nào của ngành giáo dục.

Trường hợp bà Đỗ Thị Oanh không nên xem đơn thuần chỉ là một hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Để chuẩn hóa năng lực, phẩm chất người đứng đầu các đơn vị trong cùng xu thế đổi mới, mô hình thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục thời gian gần đây trên nhiều địa phương như BRVT, TP.HCM nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dư luận. Tháng 12 năm 2021, BRVT công bố Quyết định trúng tuyển và bổ nhiệm 15 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Ngày 8/12/2022 vừa qua, TP.HCM đã công bố 3 phó hiệu trưởng đầu tiên qua thi tuyển. Tìm ra người cán bộ quản lý hội đủ tâm – trí – tầm qua thi tuyển đã mở rộng cơ hội cho nhiều cá nhân có năng lực tâm huyết và hạn chế được tiêu cực trên nhiều khía cạnh. Đó là tín hiệu vui cho nền giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới toàn diện bên cạnh kỳ vọng thành công của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều