+
Aa
-
like
comment

Làm quan: có thể “cao” nhưng đừng “xa”!

08/07/2020 17:50

Gần đây, dư luận xã hội không khỏi cảm thấy phiền lòng trước hình ảnh xe ô tô biển xanh đi đón Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tận chân máy bay. Dù đúng hay sai, những hình ảnh như này khiến người dân không khỏi phiền ngại.

Xe biển xanh đón Phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên tại chân máy bay gây ra không ít ý kiến trái chiều

Làm quan: có thể cao nhưng đừng xa!

Cán bộ là gốc rễ, cội nguồn của sức mạnh. Chỉ khi nào có đội ngũ cán bộ tốt, thực sự vì dân thì khi đó đất nước mới có thể phát triển. Mỗi người cán bộ, công chức khi thực thi quyền lực nhà nước nếu không biết kiểm soát bản thân mình sẽ rất dễ để những đặc quyền, đặc lợi làm mờ mắt, hủ hóa dẫn đến trượt dài trên con đường danh vọng phù phiếm, thậm chí là đánh mất chính bản thân mình, trở thành người mang lỗi với dân tộc.

Những ngày gần đây, câu chuyện Phó Bí thư tỉnh ủy được xe công vụ đón tận chân máy bay đang thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận. Nhiều luồng ý kiến đã được đưa ra. Chưa bàn đến việc ông Phó Bí thư tỉnh ủy được sử dụng xe công trong trường hợp trên là đúng hay sai, nhưng rõ ràng, việc xe biển xanh vào tận chân máy bay để đón rước cán bộ thì có phần thực sự phản cảm. Nếu ông Phó Bí thư đi ra sảnh chờ tại sân bay như bình thường, nếu xe công vụ không đi vào tận chân máy bay thì sẽ chẳng ai nói gì. Rõ ràng, việc “chăm sóc đến tận chân răng” cho cán bộ như trường hợp ở trên đang vô hình tạo ra những sự phân biệt rõ rệt giữ những người mang mũ quan và những người dân bình thường.

Trong thời gian qua, Đảng ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, Đảng ta cũng chú trọng vào công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngày 5 tháng 10 năm 2018, Đảng đã ban hành Quy định số 08-Đi/TW quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trước đó, Ban Bí thư trung ương Đảng cũng đã ban hành Quy định số 101-QĐi/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Cùng với việc nêu gương trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải thực sự là tấm gương sáng trong việc ứng xử. Rõ ràng, càng là quan chức cấp cao thì càng phải cẩn trọng trong tất cả mọi hành động vì mọi di, biến động của các đồng chí đều được dư luận xã hội quan tâm.

Trường hợp của đồng chí Phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên đang được không ít đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, phản động lợi dụng để xuyên tạc hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nó tác động không nhỏ đến cách nhìn nhận, đánh giá của người dân, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề vướng mắc trong dư luận xã hội.

Với trường hợp của đồng chí Phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên, nhiều bài báo đã được đưa ra, trong đó đã phân tích, bình luận, trích dẫn nhiều quy định của pháp luật. Đúng – sai trong trường hợp này có lẽ phải có sự kết luận của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, nếu chỉ là một người dân bình thường, nhìn vào những đặc quyền như trên của cán bộ sẽ không khỏi ngán ngẩm: quan đúng là vừa cao và cũng vừa xa!

Một hành động đẹp giá trị hơn mọi bài diễn văn

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc theo dõi, giám sát của người dân với cán bộ lãnh đạo sẽ ngày càng sát sao hơn. Chỉ cần một hành động nhỏ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cao cũng có thể thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Có thể, những điều tốt thì người ta sẽ chẳng mấy ai để ý nhưng những hành động phản cảm, tiêu cực, không phù hợp thì sẽ ngay lập tức nhận được sự theo dõi, bình luận, đánh giá của cộng đồng. Thêm vào đó, nhiều đối tượng luôn sẵn sàng “thêm mắm, thêm muối” để hướng lái thông tin hòng gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, trong mọi hành động, lời ăn, tiếng nói, chúng ta phải đảm bảo đúng, phù hợp với các chuẩn mực.

Suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân là những điều mỗi cán bộ, quan chức phải nhìn nhận, đánh giá và suy ngẫm. Đừng bao giờ chỉ lấy những quy định khô cứng của pháp luật ra để bao che cho mọi hành động của bản thân. Có không ít trường hợp, về quy trình, về lý luận, về quy định thì có thể phù hợp, tuy nhiên trên thực tế lại bị người dân phản ứng gay gắt. Khi đó, thay vì “sống chết” với người dân, thiết nghĩ những người trong cuộc cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tìm lời giải đáp vì sao lại không được người dân đồng tình.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại hình ảnh của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dù nắm trong tay quyền lực rất lớn nhưng con người ấy vẫn gần gũi, mộc mạc, giản dị một cách lạ thường. Nếu so sánh về xe công vụ, trong khi nhiều quan chức cấp huyện, cấp tỉnh ngồi xe sang, xe xịn thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn sử dụng một chiếc xe công vụ đã cũ; trong khi nhiều ông “quan” có nhà lầu, xe hơi thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn ở nhà công vụ. Làm việc công nhưng phải biết vượt lên những đặc quyền, đặc lợi thì khi đó người cán bộ mới thoát khỏi vòng vây của sự tha hóa quyền lực.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều