Làm nông
Ai được gọi là giai cấp chủ nhân đầu tiên của lịch sử Việt Nam nhưng bị thu hồi những bờ xôi ruộng mật để được đền bù bằng số tiền nhỏ nhoi? Ai lam lũ cơ cực nhưng cứ mãi nghèo?
Ai đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là “lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, có vai trò quan trọng với dân tộc”, nhưng thường xuyên gánh chịu tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa?
Mỗi lần nhìn cảnh những đoàn xe tải chở nông sản ách tắc trước cửa khẩu không bán được qua biên giới, ngay đầu tháng này là 600 container Thanh Long mắc kẹt ở Lào Cai, tôi không khỏi nghĩ tới nông dân. Trong số 96 triệu dân nước ta, có tới 63 triệu đang sống ở nông thôn. Chắc ai cũng thấy nông dân là tầng lớp nghèo nhất và đang chịu nhiều thiệt thòi nhất so với mọi nhóm khác.
Các cán bộ nông nghiệp nói với tôi, hiện nay ở các thôn làng chỉ còn toàn người già và trẻ con. Thanh niên đã bị lôi cuốn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên khắp nơi. Thu nhập của họ cao hơn hẳn so với cứ tiếp tục bám làng, bám đất.
Nhưng tình hình này liệu còn kéo dài được bao lâu? Với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều xí nghiệp đã nhập robot về thay thế công nhân. Hơn nữa, công nhân cao tuổi tuổi đều bị mất việc. Với tình trạng thiếu lao động nông nghiệp như hiện nay, gia đình nào phải thuê người làm đất, tưới tiêu, phun thuốc sâu, gặt hái thì hầu như đều thua lỗ.
Hiệu quả thấp là nguyên nhân tình trạng bỏ ruộng, không ai thuê đất ruộng, đang ngày càng phổ biến. Nếu có sức lao động đổ vào, bình quân một năm mỗi hecta đất nông nghiệp ở ta có thể thu được khoảng 82 triệu đồng. Với bình quân mỗi đầu người có hai sào Bắc bộ thì thu hoạch tính ra đáng là bao. Nói chung họ chỉ đủ ăn, còn tiền chi cho con cái ăn học, nhất là chẳng may có người nhập viện thì thật gay go.
Vậy có phải mọi gia đình nông dân đều chịu cảnh nghèo khó hay không, và có phải không có lối ra? Không phải thế.
Với tư cách là người gắn bó với nhiều hoạt động nông nghiệp, tôi được gặp và chứng kiến hàng trăm nông dân biết vượt khó để làm giàu. Không ai giống ai, mỗi người phát huy một thế mạnh khác nhau nhưng đều chung một ý chí không cam chịu nghèo hèn, tìm cách học hỏi để vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Cùng với họ, tôi và các nhà khoa học khác đã thường xuyên giới thiệu cho bà con nông dân khắp nơi các điển hình nông dân biết cách vận dụng khoa học, kỹ thuật để tạo cho mình một nghề mới gắn với nông nghiệp nhưng không phải chỉ là trồng lúa, nuôi lợn theo các phương pháp cổ truyền.
Ta cũng có thể liên hệ với anh Giáp ở Hà Nội để mua trứng vịt trời và máy ấp nhằm phát triển nghề nuôi vịt trời trong các ao làng. Vịt trời chỉ ăn ngô ngâm nước và không bay được nhờ cắt bớt lông trên một bên cánh.
Giỏi hơn là nuôi cá chép giòn giá cao trên sông chỉ nhờ một biện pháp mà anh Phước ở Hải Dương đã nghĩ ra là nhập về loại đậu tằm làm thức ăn cho chúng.
Sáng tạo hơn nữa là kinh nghiệm của chị Xuân ở Hà Nội trong việc dùng cỏ nuôi dế và dùng dế nuôi tắc kè để xuất khẩu. Còn bao kinh nghiệm quý báu khác như anh Giểng ở Quảng Ninh dùng cách thụ tinh nhân tạo để nâng cao tỷ lệ trứng có phôi ở gà; bà con Thanh Hóa nuôi lợn nái bằng cháo đường để sau khi thụ tinh với lợn rừng trong rừng đều biết quay về chuồng của mình; bạn Bình ở Khánh Hòa nuôi yến trong nhà với đặc điểm là có thể nuôi ở tất cả những nơi mà mùa đông không quá lạnh và chỉ chuyển giao kỹ thuật thành công thì công ty mới thu tiền.
Và còn bao nhiêu địa chỉ khác đáng tham khảo như nuôi lươn không bùn, nuôi ếch mùa đông, nuôi ba ba, nuôi thỏ, nuôi chồn (để làm cà phê chồn), nuôi bồ câu Pháp…
Về trồng trọt, nông dân ta cũng có rất nhiều thành tựu đáng kể. Những nơi nào có điều kiện trồng cây Cỏ ngọt (Stevia) đã có anh Khoa ở Hà Nội đến thu mua để xuất khẩu. Nơi nào trồng gấc trên quy mô lớn đã có chị Tâm ở Hà Nội đến để thu mua và chế biến và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật. Nơi nào muốn có giống đu đủ Hồng Phi, mỗi cây 50 quả mọc từ sát đất trở lên, mỗi quả 1,5 kg, độ đường 17% và đặc biệt là không bị bệnh đốm lá như hầu hết đu đủ trong nước có thể kiên hệ với chị Quyên ở Hà Nội.
Ai muốn trồng chanh không hạt, cam không hạt, bưởi ít hạt có thể liên hệ với anh Xê ở Bình Dương để mua giống và học hỏi kinh nghiệm. Rồi còn mít không hạt, na nặng 0,5 tới 1 kg mỗi quả, dưa hấu không hạt, chanh leo, măng tây và chè hoa vàng xuất khẩu, sầu riêng và xoài năng suất cao… Tất cả đều có địa chỉ để cấp giống và thu mua xuất khẩu.
Không thể không nhắc tới nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu, bà con có thể học nghề và được cung cấp giống các loại khi liên hệ với kỹ sư Trình. Nếu muốn trồng loại nấm có giá cao nhất là nấm Vân Chi (để chế tạo cao chống ung thư) có thể liên hệ với anh Giang.
Về cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp tôi tâm đắc nhất với xí nghiệp của anh nông dân Phan Tấn Bện ở Đồng Tháp. Anh đã làm ra hơn 30 chiếc xe tận thu rơm để xuất khẩu sang Nhật, thay vì đốt bỏ như nhiều nơi trong nước.
Nhưng chúng ta vẫn có quá nhiều câu chuyện được mùa mất giá, giải cứu nông sản, bần cùng hóa nông dân… Thay đổi được là rất khó nhưng nhất thiết phải thay đổi. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi các cuộc chiến thương mại toàn cầu đang nóng lên và dự báo sẽ diễn ra quyết liệt thì đừng quên Việt Nam ta vẫn có thể tự tin với một thế mạnh rất quan trọng: đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Muốn có nền nông nghiệp mơ ước, chúng ta phải đẩy mạnh việc sáng tạo công nghệ, kỹ thuật mới và tăng cường việc chuyển giao. Trong thời gian 2013-2016, các nhà khoa học nước ta đã tạo ra được tới 149 giống cây trồng, vật nuôi đủ tiêu chuẩn áp dụng vào sản xuất, đồng thời ngành nông nghiệp cũng đã công nhận 65 quy trình công nghệ và 35 tiến bộ kỹ thuật. Nói cách khác, đã đến lúc nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi và người nông dân cần có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất và tổ chức xuất khẩu. Việc của chính phủ là phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được tạo điều kiện, khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy tôi rất bận, nhưng để giúp đỡ bà con tôi vẫn có thể tranh thủ giới thiệu địa chỉ của những nhà nông thành công, đã có thu hoạch cao để bà con tự liên hệ học hỏi và cũng có thể trở nên giàu có như họ. Làm giàu thực sự không khó, chỉ cần quyết tâm.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng