“Làm nhiều, nghỉ ít” hay người lao động cần hưởng đời sống tốt hơn?
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động cho rằng, cán bộ, công chức làm việc 40 giờ mỗi tuần, trong khi công nhân phải làm 48 giờ là bất công. Việc là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi cho người lao động là cần thiết.
Tăng độ tuổi nghỉ hưu sao cho hợp lý đối với người lao động
Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm vào dịp khai giảng và Quốc khánh. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động cho rằng, ngày nghỉ của Việt nam đang thấp so với các nước trong khu vực.
Người lao động hiện nay vẫn chưa được hưởng đời sống tích cực vì mức thu nhập còn thấp
Nhiều nước cũng được Bộ LĐ-TB-XH viện dẫn so sánh khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60. Theo cơ quan soạn thảo, so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao.
Ở Việt Nam có tuổi thọ ở tuổi 60 là 22,5 năm, trong khi tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5, trong khi Malaysia có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60; Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60.
Tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Số liệu thống kê của Tổ chức ILO về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5% ; Tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%
Trên đây là một vài ví dụ cho thấy yếu tố không thể thiếu khi xây dựng chính sách ở Việt Nam là so sánh với nước khác. Nhưng góc độ chuyên gia, về nguyên tắc, đã so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới thì phải so sánh một cách toàn diện, đừng chỉ thấy cái gì có lợi cho mình mới so sánh.
Đề xuất thêm ngày nghỉ cũng giống như tăng lương, doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để trả cho người lao động, nhưng việc tăng ấy lại không gắn với tăng năng suất lao động. Việt Nam lấy giá trị gia tăng chia cho số lao động, năng suất lao động thấp hơn rất nhiều vì cứ tăng lương mà không tính tới năng suất lao động.
Cho nên, ngày nghỉ lễ, tết trong năm và việc tăng lương cho người lao động phải phụ thuộc vào người sử dụng lao động, phải xem năng suất lao động có tăng không, công việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ra sao… chứ không phải dùng mệnh lệnh hành chính.
Đối với việc tăng lương, thêm ngày nghỉ… cần phải có cuộc điều tra, khảo sát đối với người lao động, người sử dụng lao động và người dân trước khi đưa ra kiến nghị, bao nhiêu phần trăm muốn, bao nhiêu phần trăm không muốn.
Thử tưởng tượng, cứ vào dịp gần cuối năm lại có một đề xuất tăng lương nhưng thử hỏi người lao động có muốn không khi vào cuối năm tất cả mọi giao dịch đều bị đình trệ, tiền không rút được, không làm được gì. Hay nghỉ thêm mấy ngày thì người dân biết làm gì? Doanh nghiệp thiệt hại ra sao?
Không thể đổi lỗi cho việc tăng giờ làm thêm vì năng xuất lao động kém
Thực ra, vấn đề tăng thời giờ làm thêm tối đa không phải đến nay mới được đề xuất, mà trong mỗi lần sửa đổi Bộ luật Lao động, từ trước đến này, đề xuất trên đều bị “bác”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Lịch sử lao động cho thấy, cả thế giới đều đang đấu tranh để tăng lương giảm giờ làm, còn người sử dụng lao động luôn muốn tăng năng suất còn trả lương hợp lý. Giai cấp công nhân là nòng cốt của Đảng, do đó phải để họ phát triển để tạo nền tảng, nhất là thực tế người lao động hiện nay luôn ở thế yếu.
Có lần, tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban này đã nhắc đến một sự việc để các “nhà làm luật” cần cân nhắc thận trọng trong quyết định. “Khi đi thực tế tại Bình Dương, tôi có gặp một nữ công nhân xanh xao, yếu ớt đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nếu không thì không đủ sống, không đủ tiền nuôi con. Chúng tôi cũng khuyên các cháu phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ nếu làm quá nhiều, ốm đau thì lúc đấy lấy tiền đâu chữa bệnh?”- ông Lợi kể lại.
Lịch sử phát triển xã hội và xu thế chung của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi. Trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đa số quốc gia làm việc 14-18 giờ mỗi ngày, nhưng ngày nay tất cả áp dụng chế độ ngày làm 8 giờ.
Thực tế, hiện nay nguyên nhân dẫn đến gia tăng nhu cầu làm thêm giờ cũng là do thu nhập và đồng lương của người lao động; đặc biệt là công nhân ở nước ta đang quá thấp, mới chỉ đủ 70% nhu cầu cuộc sống cho nên người lao động phải làm thêm để đảm bảo cho cuộc sống.
Thực tế ấy thật đúng với những người lao động chăm chỉ. Nhưng vẫn còn một bộ phận người lao động, đặc biệt trong giới công chức, viên chức thì lại có năng suất lao động gần bằng 0 mà vẫn nhận lương đều đặn. Điều đó tạo nên sự bất bình đẳng.
Đại hội XII bàn về chiến lược phát triển, Thủ tướng rất quan tâm đến giải pháp đột phá về đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động chứ không quy định theo hướng “thâm dụng lao động”. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 đánh dấu nhiều đổi thay chóng mặt về công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, thế thì hà cớ gì mà việc tăng năng suất lao động lại chỉ dựa vào sức người mà không dựa vào đổi mới công nghệ.
Năng suất lao động ở doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào máy móc, trình độ quản trị. Nếu máy móc hiện đại tiên tiến, bố trí lao động hợp lý thì năng suất tăng cao. Xu hướng của thế giới là tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất, chứ không phải tăng thời gian làm việc. Kéo dài thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng sức khỏe và kéo theo năng suất lao động thấp.
Nhiều người cứ đổ năng suất thấp cho người lao động là không đúng. Nếu mọi người coi năng suất lao động thấp do người lao động thì các cơ quan nhà nước phải làm 48 giờ chứ không phải chỉ là công nhân lao động vì đây là năng suất lao động của toàn xã hội.
Hiện cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính làm việc 40 giờ mỗi tuần, song công nhân vẫn phải làm việc 48 giờ, trong khi ngày nghỉ lễ trong năm ít là bất công đối với họ. Ở một số quốc gia, ví dụ Nhật Bản, công chức làm việc nhiều giờ hơn người lao động, còn nước ta thì ngược lại.
Hồng Đinh