+
Aa
-
like
comment

“Làm nhiệm vụ”… mất tiền!

Thành An - 17/01/2024 11:02

​ Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm được lập ra bởi những người từng rơi vào “bẫy” việc nhẹ lương cao, những lời kêu cứu trong vô vọng xuất hiện trên khắp các diễn đàn, hội nhóm… Đáng chú ý, một trong những thủ đoạn thường được nhắc đến là chiêu trò “làm nhiệm vụ”.

Cần cảnh giác với các thủ đoạn yêu cầu chuyển khoản trên mạng xã hội

​ Những lời mời gọi hấp dẫn

Theo lời kể của các nạn nhân, họ bị dụ dỗ bởi những bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung tuyển dụng người làm nhiệm vụ online, có mức lương cao, hoa hồng hấp dẫn. Những bài đăng này thường có mẫu số chung như “kiếm tiền triệu mỗi ngày”, “không cần bỏ vốn vẫn có hoa hồng cao”…

Thậm chí, để thuyết phục “con mồi” cắn câu, các đối tượng này dùng cả hình ảnh, video về những người tham gia khác đã nhận được tiền thưởng. Nạn nhân bị đưa vào mê hồn trận, bị “ru ngủ” bởi những lời có cánh và những số tiền trong mơ.

Khi bước vào “cuộc chơi” này, điều đầu tiên mà nạn nhân sẽ nhận được là yêu cầu người tham gia nạp tiền trước khi được nhận nhiệm vụ. Nhưng đến đây, nhiều nạn nhân vẫn không hề hay biết mình đã sập bẫy.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường đánh vào nhóm yếu thế, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tình trạng khó khăn về kinh tế như công nhân, nhân viên văn phòng, nội trợ. Xác định nhóm con mồi cần việc làm, có thể làm việc tại nhà để tăng thêm thu nhập, từ đó các đối tượng tiến hành giăng bẫy, tung các thủ đoạn chiêu dụ con mồi cắn câu.

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Vào thời điểm đầu làm “nhiệm vụ”, các đối tượng lừa đảo tỏ ra cực kỳ nhiệt tình và chuyển khoản đúng hạn khi nạn nhân đạt đủ yêu cầu và số điểm mà chúng đề ra. So với số tiền đã nạp vào ban đầu, nạn nhân có thể nhận lại 20-30% hoa hồng. Thậm chí, họ còn được cho gia nhập “nhóm VIP” để nâng cao tiền hàng.

Thế rồi, sau 1-2 lần hoàn tiền như thế, số tiền mà họ mong ngóng sẽ chẳng thấy đâu với đủ các lý do như trục trặc kỹ thuật, lỗi hệ thống hay số tiền không đủ. Đến đây, họ sẽ bị yêu cầu nạp thêm “nâng cấp tài khoản”, “tham gia nhiệm vụ cấp cao”.

Sau khi đã lấy được tiền, đây là lúc chúng sẽ nhanh chóng tẩu tán. Nạn nhân thì chờ đợi trong vô vọng còn các “đầu mối” thì đã lặn mất tăm. Đến lúc này, họ mới vỡ lẽ đã bị lừa đảo, mất đi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Cá biệt, đã có những trường hợp bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng chỉ vì tin vào lời dụ dỗ “làm nhiệm vụ” như thế.

​ Không khó để nhận thấy, đây là chiêu bài “thả con săn sắt, bắt con cá rô” vốn nhan nhản nhiều năm nay.

​ Cuối tháng 09/2023, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố hai đối tượng Hồng Văn Tuấn (SN 1993, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Văn Sơn (SN 1985, trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) về tội danh “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Nạn nhân của vụ lừa đảo này là bà B.T.D. (44 tuổi, trú tại tp Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Bà D. đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 5,7 tỷ đồng bằng thủ đoạn quảng cáo chương trình “làm nhiệm vụ nhận quà” trên mạng xã hội Facebook.

Theo đó, các đối tượng đã dụ dỗ bà D. thực hiện các nhiệm vụ và nhận được 120.000 đồng tiền thưởng. Sau đó, nhóm này đã mời chào “quà tặng phúc lợi” với phần thưởng lớn hơn khiến bà D. chuyển tiền nhiều vào 6 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận nhiệm vụ.

Sau nhiều lần không được “hoàn thưởng”, các đối tượng tiếp tục lừa đảo để nạn nhân chuyển tiền với lí do cần “nâng cấp tài khoản”, cần “làm thêm nhiệm vụ” để không hoàn trả lại số tiền bà D. đã chuyển vào tài khoản của chúng.

Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh

Người dân có thể nhận biết thủ đoạn lừa đảo “làm nhiệm vụ” dựa trên một số dấu hiệu sau:

Các bài quảng cáo tuyển dụng thường có nội dung quá hấp dẫn, mức lương cao, hoa hồng vượt trội so với mặt bằng chung. Đây là dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của thủ đoạn lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mức lương, hoa hồng cao gấp nhiều lần so với mức lương trung bình, nhằm đánh vào lòng tham của người tham gia.

Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người tham gia nạp tiền trước khi được nhận nhiệm vụ. Đây là dấu hiệu nhận biết quan trọng nhất của thủ đoạn lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo sẽ không bao giờ cho người tham gia nhận nhiệm vụ mà không cần nạp tiền.

Các đối tượng lừa đảo thường không cung cấp thông tin cụ thể về công ty, doanh nghiệp, tổ chức đứng ra tuyển dụng. Điều này khiến người tham gia khó có thể xác minh tính xác thực của công ty, doanh nghiệp, tổ chức này.

Để tránh bị lừa đảo, người dân cần lưu ý một số cách phòng tránh sau:

Không tham gia các hoạt động nhận nhiệm vụ online từ các nguồn không uy tín, không có website, fanpage rõ ràng. Người tham gia cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, doanh nghiệp, tổ chức đứng ra tuyển dụng trước khi tham gia. Nếu công ty, doanh nghiệp, tổ chức này không có website, fanpage rõ ràng, không cung cấp thông tin cụ thể về mình, thì người tham gia nên tránh xa.

Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ. Nếu người tham gia cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thì cần kiểm tra kỹ thông tin của người nhận.

Người tham gia không nên nạp tiền khi chưa xác minh rõ ràng về tính xác thực của nhiệm vụ. Người tham gia có thể tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè trước khi quyết định nạp tiền.

Nếu người tham gia phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều