+
Aa
-
like
comment

Làm lại ‘kế sách’ chống ngập

30/10/2019 07:09

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Quy hoạch chồng chéo, số liệu “lỗi thời”

Trong văn bản kiến nghị, UBND TP đánh giá quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được duyệt trước đây đã không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quy hoạch phát triển chung của TP. Trong 3 năm gần đây, TP đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III (1,5 m). Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401 mm, làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10 – 70 cm.

TP.HCM vẫn loay hoay với quy hoạch chống ngập /// Ảnh: Ngọc Dương
TP.HCM vẫn loay hoay với quy hoạch chống ngập

Do đó, TP kiến nghị đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình kết nối với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.

Cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa có đánh giá hiện trạng để đưa ra quy hoạch cốt nền. Các sở, ngành mạnh ai nấy làm, số liệu vênh nhau, người xây nhà theo mức cốt nền này, người nâng đường theo mốc cốt nền kia khiến đô thị nham nhở, ngập lụt liên miên chạy từ chỗ này qua chỗ khác.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về chống ngập, TS Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, nhận định việc làm lại quy hoạch chống ngập của TP là vô cùng cần thiết và cấp bách. Theo ông, năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2008, Quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Đến 2010, TP lại ban hành Quy hoạch 24 về phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có chương quy hoạch thoát nước mưa và nước thải. Như vậy hiện TP có 3 quy hoạch pháp lý còn hiệu lực, không biết phải làm theo cái nào. Chưa kể khi có các dự án quốc tế thì mỗi dự án lại có một tư vấn, thiết kế riêng khiến việc triển khai trở thành tùy tiện, bừa bãi.

Không những chồng chéo, ông Công đánh giá mỗi quy hoạch đều thực hiện phiến diện, dựa trên các con số không chuẩn xác. Cụ thể, quy hoạch theo Quyết định 752 chỉ chú trọng nhiều đến giải pháp thoát nước mưa và xử lý nước thải. Trong thoát nước mưa lại chỉ chú trọng về mưa mà không phân tích nhiều về mực nước và hiện trạng yếu kém của kênh rạch. Chưa kể tất cả số liệu tính toán bao gồm mực nước triều, lượng mưa, mực nước bẩn, cách tính thủy văn, gia tăng dân số… đều sai, lỗi thời. Tương tự, quy hoạch 1547 chỉ thiên về mực nước bên ngoài phía sông Sài Gòn, sông Đồng Nai mà chưa nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của mực nước sông Vàm Cỏ nên không đề ra được các kịch bản vận hành hệ thống ngăn triều.

Phải gắn với quy hoạch đô thị

Xây dựng lại “bộ kế sách” chống ngập là cần thiết, tuy nhiên ông Lê Thành Công nhấn mạnh phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận quy hoạch. Cụ thể, cần gom lại thành 1 bản quy hoạch tổng thể, trong đó chia thành từng lớp, quy hoạch thành phần theo từng chuyên ngành gắn với năng lực của từng chuyên gia cụ thể. “Có 2 bước lớn phải thực hiện. Thứ nhất là làm ngay nghiên cứu cơ bản về mưa, mực nước, lún nền, hệ thống mốc cao độ để có số liệu chính xác đưa vào trong các tính toán quy hoạch. Tiếp đến, dựa trên dữ liệu hiện trạng phải chạy các kịch bản trong một bài toán tổng thể. Chú ý cần phân vùng ảnh hưởng của từng cống ngăn triều và đưa nhiều công trình điều tiết như cửa cống, hồ điều tiết vào phía trong hệ thống thoát nước nội đô để tránh tình trạng nước chạy từ chỗ này qua làm ngập chỗ kia. Muốn chống ngập cần triển khai thực hiện theo từng vùng để vừa giải quyết ngập cục bộ, vừa tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới lan dần ra các vùng khác. Quy hoạch cần tổng thể, đi từ ngoài vào trong nhưng khi thực hiện cần chú trọng vùng lõi nội đô, giải ngập từng bước từ trong ra ngoài mới đạt hiệu quả”, TS Lê Thành Công lưu ý.

Đồng tình với cách làm chú trọng vùng nội đô và chống ngập theo phạm vi từng vùng, KTS Ngô Viết Nam Sơn bổ sung thêm: Quy hoạch chống ngập không thể làm riêng, tách rời khỏi quy hoạch đô thị. Chống ngập không chỉ là xử lý vấn đề hạ tầng thoát nước mà còn liên quan mật thiết đến việc phân bố lại diện tích cây xanh mặt nước, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, đặc biệt là trong nội thành – khu vực đang bị bê tông hóa ngày càng nghiêm trọng.

“TP.HCM ngập trầm trọng như hiện nay chưa phải từ biến đổi khí hậu mà do con người phát triển thiếu bền vững. Quy hoạch giao thông, xây dựng ồ ạt, bê tông hóa tràn lan trong khi hạ tầng thoát nước không được chú trọng. Không những thế, việc đánh giá hiện trạng yếu kém khiến các biện pháp chỉ mang tính chạy theo đuôi xử lý ngắn hạn. Ở các nước phát triển, quy hoạch chống ngập phải nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị bao gồm cả các vấn đề chống kẹt xe, kế hoạch sử dụng đất. Thiếu sự bao trùm của vấn đề quy hoạch, các giải pháp sẽ chỉ mang tính tình thế, thiếu bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh.

 

Hà Mai/Thanh Niên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều