Căn bệnh sợ nghĩ, sợ làm, sợ chịu trách nhiệm đã tạo ra một lớp cán bộ chọn sống và làm việc an toàn, thụ động, cản trở nghiêm trọng sự phát triển của đất nước. Điều đáng nói là sau đại dịch Covid-19 thực trạng này ngày càng đáng báo động!
Một loạt các vụ án tham ô, tham nhũng lớn gần đây đã phơi bày sự tha hóa đáng báo động của cán bộ, công chức, kể cả những người giữ trọng trách ở các bộ ngành quan trọng. Trong số này, có không ít người giỏi, trình độ chuyên môn cao, nhưng tham lam, và thiếu đi dũng khí của người phụng sự. Thông thường, người nào sợ đổi mới, sẽ là người sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm. Họ cũng là người ích kỷ, hèn nhát, dễ a dua với cái xấu, vì sợ bị tẩy chay.
Thế là cái vòng luẩn quẩn: hèn nhát, thiếu dũng khí, tha hóa, cứ lan ra, khiến xã hội lãnh hậu quả.
Thấy được mối hiểm họa trên, lãnh đạo nhà nước thời gian qua đã liên tục nêu vấn đề khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tuy vậy, ngăn chặn hiểm họa suy thoái này không đến từ những động viên, khuyến khích suông, mà đòi hỏi phải xây dựng các chính sách “khuyến tài”, “khuyến dũng” hiệu quả.
Các nước tiên tiến trên thế giới cũng đã trải qua những vấn nạn tương tự, nên việc tham khảo cách họ làm có ý nghĩa rất lớn. Một trong những ví dụ sinh động nhất là Singapore, đất nước gần gũi với Việt Nam.
Singapore dù chỉ là một đảo quốc nhỏ bé, thiếu hầu hết mọi tài nguyên, nhưng đã vươn lên trong top 10 quốc gia hàng đầu thế giới là nhờ những chính sách đột phá, sáng tạo, được hoạch định bởi đội ngũ lãnh đạo tài năng, có tư tưởng tiên phong, bứt phá.
Có thể nhận thấy người giỏi, người tài mới mang lại nhiều tiến bộ cho xã hội, mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. So với Singapore, Việt Nam đông dân hơn đảo quốc này gấp 23 lần. Trong khi Singapore dựa chủ yếu vào dân nhập cư, thì chúng ta có hẳn một nguồn nhân lực dồi dào, trong đó, số lượng các trí thức trẻ được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến là không nhỏ. Thế nhưng, trí thức trẻ du học trở về chấp nhận làm việc trong hệ thống hành chính công lại cực thấp, một số tỉnh thành, nhiều năm nay hầu như không có. Từ đó, có thể nhận thấy, muốn giải bài toán tìm người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí, dám đấu tranh với tiêu cực, trì trệ, thì trước hết phải có chính sách chiêu mộ người tài, người có thực lực.
Kế nữa, muốn giữ người được người tài, người có thực lực, cần có chính sách tiền lương thỏa đáng. Khác với trước đây, nhiều cán bộ giỏi vẫn phải sống kham khổ, lấy lý tưởng phụng sự xã hội vô điều kiện để cống hiến năng lực, chất xám; người tài hôm nay có ý thức rất cao về giá trị bản thân. Nếu không được đánh giá đúng công sức đã bỏ ra, không được đãi ngộ phù hợp, tất yếu họ sẽ dứt áo ra đi. Về mặt này, có thể học tập Singapore khi áp dụng hẳn một chính sách rõ ràng đối với mức lương cho người có đóng góp quan trọng cho đất nước. Thậm chí, bộ trưởng các bộ ở Singapore lương còn cao hơn những người quản lý hàng đầu của 6 tập đoàn kinh tế giàu nhất nước này.
Trong khi mức lương của Tổng thống Mỹ xấp xỉ 400.000 USD/năm; lương của Thủ tướng Anh là hơn 360.000 USD/năm, lương của các Bộ trưởng dao động trong khoảng 196.000-268.000 USD/năm; thì lương của Thủ tướng Lý Hiển Long đã là 2,05 triệu USD/năm, lương của các Bộ trưởng dưới quyền ông xoay quanh con số 1,26 triệu USD/năm. Mức lương cao trong trường hợp này không chỉ khuyến khích người tài làm việc, mà còn góp phần hạn chế vấn nạn tham nhũng, tham ô trong giới lãnh đạo cao cấp.
Tuy vậy, song song đó, Singapore vẫn ưu tiên hoàn bị các luật về tham ô, tham nhũng. Nhiều năm liền đảo quốc này luôn đứng hạng cao trong bảng xếp hạng chính phủ liêm chính.
Có thể thấy, với Singapore, sự minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức nhà nước; cùng quy định chi tiết về lương bổng, đãi ngộ; kết hợp với sự chặt chẽ của Luật pháp, đã tạo điều kiện để người tài an tâm cống hiến. Những điểm này dù khó, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể từng bước làm được.
Nội dung: Phạm Khoa
Đồ họa: M.N