Làm gì để Việt Nam bứt phá nhanh như Thánh Gióng?
Nếu dốc toàn lực để phấn đầu tăng trưởng 7-8% năm 2021-2015 và 9-10% năm 2026-2045 nền kinh tế Việt Nam có thể bứt phá nhanh như Thánh Gióng
Sáng 26/10, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Đại học Kinh tế quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển”.
Kinh tế đi nhanh nhưng đi nghiêng và nghiêng về FDI
Trong phần tham luận, GS.TS Ngô Thắng Lợi – giảng viên cao cấp của trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một thực tế, trong 10 năm trở thành thành viên của nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp nhưng tăng trưởng vị thế của Việt Nam so với các nước này không cao.
Cụ thể, nhìn vào biểu đồ định vị sự phát triển của Việt Nam từ 3 tiêu chí: thu nhập về bình quân đầu người; cơ cấu ngành và tiêu chí xã hội của ngành kinh tế thì Việt Nam đang đứng ở mức cận giữa của các nước phát triển có trình độ thu nhập trung bình thấp.
Đi sâu vào so sánh về số lượng và chất lượng tăng trưởng, GS Ngô Thắng Lợi cho thấy hầu hết các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu ngành kinh tế… đều không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch.
Thậm chí, biên độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm, tốc độ giảm biên độ tăng trưởng có xu hướng tăng nhanh hơn khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp.
Trong khi đó, về kết quả tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế được đánh giá là thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam đã đạt được.
So sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản, kết quả tăng trưởng của Việt Nam đang bị bỏ lại rất xa. Ví dụ, trong giai đoạn 2011 – 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 6,58%, trong khi ở giai đoạn 1961 -2000 của Hàn Quốc đã là 8%, Nhật Bản 1955 – 1973 là 9,4%.
Về mặt xã hội cũng có biểu hiện chậm thay đổi trạng thái phát triển về xã hội, bất công bằng trong phân phối thu nhập đang có xu hướng tăng dần lên. Nguyên nhân được chỉ ra là do tư duy và năng lực không thực sự phù hợp trong điều hành, quản lý kinh tế.
“Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đi nhanh, nhưng lại đi nghiêng và trọng lực lại đang nghiêng về phía các doanh nghiệp FDI.
Còn khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa lại được ví von như các hành khách nhẹ cân, đi phải bám víu vào thành cầu để không bị đổ, ngã, bị rơi”, GS Ngô Thắng Lợi ví von.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu cứ nằm 10 năm ở mức thu nhập trung bình thấp nghĩa là Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Có thể bứt phá như Thánh Gióng
Nhìn nhận từ thực tế trên, GS Trần Thọ Đạt cho biết, nếu so sánh mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 với các nước Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc thì Việt Nam đang tụt hậu 32 năm so với Hàn Quốc, 36 năm với Malaysia và tụt hậu 9 năm so với Trung Quốc.
Như vậy, với vị trí hiện tại của Việt Nam chỉ tương đương với Hàn Quốc của 35-40 năm trước, Malaysia 30-40 năm trước và 10-18 năm tước của Trug Quốc.
GS Trần Thọ Đạt cho biết để thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 thì phải tìm được cho mình mô hình tăng trưởng và hướng đi thích hợp.
Từ các điều kiện phân tích, các chuyên gia chỉ ra 3 kịch bản, trong đó, mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc được đánh giá là khả thi nếu Việt Nam dốc toàn lực để phấn đấu tăng trưởng 7-8% trong giai đoạn từ năm 2021-2015 và 9-10% năm ở giai đoạn 2026-2045.
Với mô hình này, kỳ vọng bình quân GDP đầu người của VN tới năm 2030 = 190.00 USD và tới năm 2045 là 66294 USD/người.
Còn theo kịch bản tăng trưởng của Trung Quốc, thì GDP phải tăng liên tục 9-10%. Nếu thực hiện theo mô hình này, dự kiến GDP/người của Việt Nam năm 2030 là khoảng 22121 USD/người, 2045 là 75515 USD/người.
Từ so sánh các mô hình, các nhà nghiên cứu nhận định, nếu lựa chọn mô hình Hàn Quốc kết hợp sự hài hòa xã hội của Malaysia và hiệu quả kiểm soát nhà nước của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ bứt phá thành công như Thánh Gióng vươn vai đứng dậy chỉ trong 1-2 ngày.
Phải nắm chắc cơ hội
Không phủ nhận những tiềm năng Việt Nam đang có, PGS Hoàng Văn Cường trong bài tham luận nói rõ, để nền kinh tế Việt Nam có thể bứt phá thành công như Thánh Gióng thì phải nắm thật chắc những cơ hội.
Những cơ hội được ông nhắc đến là việc ký kết các hiệp định thương mại FTAs; cơ hội từ dòng dịch chuyển vốn FDI và cơ hội từ cách mạng 4.0… Đây được xem là những cơ hội giúp mở rộng thị trường, bắt buộc nền sản xuất trong nước phải thay đổi theo các tiêu chuẩn quốc tế; thu hút đầu tư lớn, bứt phá để vượt lên.
Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội nhiều thách thức cũng được chỉ ra như: nguy cơ doanh nghiệp nội bị mất đi một số ngành sản xuất trong nước và chuyển từ chế tạo sang đại lý bán hàng.
Trong khi các chính sách trong thu hút FDI còn được đánh giá là chưa chặt chẽ, có nguy cơ cạnh tranh, triệt tiêu các cơ hội của doanh nghiệp trong nước. FDI vào nhưng lại giữ chân ngành sản xuất, khiến ngành sản xuất trong nước rơi vào bẫy giá trị thấp, điển hình là câu chuyện xuất khẩu một đôi giày Việt có giá 100 USD nhưng phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.
Từ phân tích trên, PGS Hoàng Văn Cường cho rằng lựa chọn mô hình tăng trưởng nào thì nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo, trụ cột kinh tế chính là tư nhân và FDI là trợ lực.
Điều quan trọng nếu muốn có sự đột phá thì phải tạo ra được những bước nhảy vọt về đổi mới công nghệ, đột phá về sáng tạo trong khoa học công nghệ.
Góp ý thêm, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị tiếp tục coi trọng vai trò của doanh nghiệp, không chỉ ở chủ trương của Đảng mà còn trong từng chính sách, giải pháp của Nhà nước khi thực hiện chức năng của mình; có chiến lược về phát triển các đô thị, coi đây là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế,…
Theo các diễn giả, tầng lớp trung lưu dự báo sẽ tăng mạnh từ 14% dân số hiện nay lên trên 50% dân số vào năm 2035. Bên cạnh mặt tích cực là tạo ra thị trường nội địa khổng lồ và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu nhưng rủi ro sẽ là sự bảo đảm chất lượng dịch vụ công gia tăng hơn cũng như yêu cầu cao hơn nữa về khát vọng, trách nhiệm xã hội của tầng lớp này.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với kịch bản. Mưa ít, nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng sẽ làm tiêu tốn 10% GDP và tác động tới 10,8% dân số là thách thức rõ ràng đối với đất nước hiện nay và tương lai.
Hoài An