“Thành trì” lạm phát 4% làm sao để khó xuyên thủng?
Tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm của Việt Nam khởi sắc, nhưng diễn biến khó lường của giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ công, giáo dục tăng theo lộ trình… khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm nay gặp nhiều thách thức. Vậy cần có giải pháp nào để đạt được?
Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi. Nhờ đó kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được các mục tiêu đề ra, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. GDP và Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lần lượt 6,42% và 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã cho thấy thành công của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực phát triển kinh tế xã hội. Có thể kể đến như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng. Nhờ đó, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 1,25%, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% như Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, các cảnh báo về việc lạm phát sẽ tăng cao vẫn tiếp tục được các chuyên gia kinh tế đưa ra, khi trong thời gian còn lại của năm 2022, rủi ro, thách thức còn rất lớn. Nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề hơn, trong bối cảnh chúng ta đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Phân tích kĩ hơn những yếu tố về rủi ro lạm phát trong năm 2022, các chuyên gia kinh tế nhận định có 3 nhóm yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng – đây là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Bởi kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài chiếm 50,98%.
Thứ hai, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao. Đặc biệt, giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng. Cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh. Đây sẽ là áp lực lớn lên kế hoạch kiềm chế lạm phát trong năm 2022 và 2023.
Để đạt được mục tiêu lạm phát 4% năm 2022, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần đẩy mạnh phòng ngừa biến chủng mới của dịch Covid-19. Đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Đồng thời cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Cùng với đó là cần thường xuyên kiểm tra, giám sát mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm.
Ngoài ra cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.
Diệu Hương