+
Aa
-
like
comment

Làm gì để quan chức không muốn tham nhũng?

11/01/2021 07:59

Một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới hướng đến là xây dựng cơ chế để: Không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Vậy làm sao để thực hiện được điều này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới.

Khi tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ông cho rằng: “Chúng ta xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin-cho vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng lại không thay đổi, thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc”, ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Việc xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, nhất là trong Đại hội XII của Đảng chính là hướng đến mục tiêu để quan chức không dám tham nhũng. Qua việc xử lý cũng đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Tuy nhiên như tôi đã phát biểu khi tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trong phòng, chống tham nhũng chúng ta mới xử lý được phần ngọn, cần phải hướng đến mục tiêu không “không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”. Muốn thế thì phải xem căn nguyên tham nhũng từ đâu.

Theo tôi, cái gốc của tham nhũng hiện nay bắt nguồn từ cơ chế “xin – cho”. Nếu cơ chế xin – cho vẫn còn thì chống tham nhũng vẫn khó khăn. Trên thực tế, thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều cải cách, cơ chế xin – cho cũng đã giảm, song mới chỉ được một phần. Tình trạng “bôi trơn” trong giải quyết các thủ tục hành chính, kinh doanh hiện nay vẫn còn. Có người còn nói không có “bôi trơn” là cỗ máy khó hoạt động trơn tru. Còn trong đời sống xã hội chúng ta đều thấy, đi đâu cũng có “xin” và “cho”, từ cái nhỏ nhất là đi học, đi khám bệnh, cho đến đi làm thủ tục hành chính… Tất cả những cái đó dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Vậy nên xóa bỏ được cơ chế xin – cho sẽ xóa bỏ được cái gốc của tham nhũng.

Làm gì để quan chức không muốn tham nhũng? - ảnh 1
Phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng

Vậy theo ông cách nào để giảm và cắt bỏ cơ chế xin- cho?

Trước hết phải thực hiện cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực, chứ không phải người có quyền phân bổ nguồn lực. Ví dụ trong lĩnh vực đất đai, nếu tất cả đều tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch thì làm gì có tham nhũng. Còn nếu chỉ định thầu thì xin – cho sẽ vẫn còn và nguy cơ tham nhũng vẫn hiện hữu. Cái này là một thực tế chứ không có gì mới mẻ cả.

Tuy nhiên, để thị trường phân bổ nguồn lực thì phải giảm tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước xuống, phát triển doanh nghiệp kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn để lực lượng này trở thành chủ lực của nền kinh tế. Thực tế, sau 35 năm đổi mới, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã có nhiều thay đổi. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, khu vực kinh tế tư nhân của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là các hộ gia đình cá thể, nhỏ lẻ, còn ít doanh nghiệp lớn nên tỷ trọng trong nền kinh tế còn thấp. Vì thế, tới đây phải có cơ chế phát triển mạnh mẽ hơn nữa khu vực này.

Thời gian qua có nhiều bộ, ngành đã mạnh dạn cải cách, cắt bỏ quyền lợi của ngành mình để làm lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên sự cắt bỏ đó còn mang tính cá biệt, chưa thành một cuộc cải cách sâu rộng từ trên xuống dưới. Ví dụ như trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, thường là lĩnh vực nào thì bộ đó được giao chủ trì soạn thảo. Bộ soạn thảo lĩnh vực của mình, thì thường có tư tưởng giữ quyền lợi cho mình. Cho nên cần thay đổi cách làm này để “chặn” cơ chế xin – cho ngay từ gốc.

Làm gì để quan chức không muốn tham nhũng? - ảnh 2
Nhiều quan chức, cựu quan chức bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự trong thời gian qua

Tinh giản biên chế để có tiền tăng lương

Nhiều ý kiến cho rằng, để “không muốn tham nhũng” thì lương phải cao, phải đủ sống, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Để cán bộ không muốn tham nhũng thì phải tăng lương. Song vấn đề đặt ra là, lấy tiền đâu ra mà tăng lương? Muốn tăng lương thì phải tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, không còn cách nào khác. Hiện nay cán bộ, công chức, viên chức của nước ta vẫn còn đông, dẫn đến khó thể tăng lương được. Lương thấp thì lại dẫn đến “tham nhũng vặt”. Cho nên muốn giải quyết được vấn đề này, các nước trên thế giới đều đã làm là tinh gọn tổ chức, bộ máy. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, quản lý, điều hành bằng công nghệ số thì phải quyết liệt, đột phá tinh giản biên chế. Thực hiện quyết liệt trong việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, không chỉ cấp xã, cấp huyện mà thậm chí cả ở cấp tỉnh.

Như Singapore, số lượng người làm nhà nước ít nên người ta trả lương rất cao, đồng thời xử lý rất nghiêm nếu có vi phạm. Vì thế nên làm gì có “tham nhũng vặt”. Anh tham nhũng 100 đô là bị mất việc, mất thu nhập hàng nghìn đô mỗi tháng ngay.

Tuy nhiên, đây là công việc vô cùng khó khăn, đụng chạm, muốn làm được thì phải có đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung. Hôm tổ chức góp ý vào dự thảo văn kiện, tôi cũng đã nói, từ khi đổi mới đến nay cũng đã hơn 35 năm rồi. Các quan điểm tư duy phát triển của thời kỳ đổi mới đến nay cũng đã hết tác dụng rồi cần phải có tư duy mới. Tư duy mới đó phải đưa vào trong thực tế và phải triển khai một cách quyết liệt, có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Để cắt bỏ được cơ chế xin – cho thì vai trò của những người đứng đầu các cấp, các ngành là rất quan trọng, không quyết tâm thì không thể làm được. Bởi cắt bỏ cơ chế xin – cho rất khó, nó đụng chạm đến quyền và lợi ích của rất nhiều người.

Văn Kiên/ TPO

Bài mới
Đọc nhiều