Làm gì có chuyện nhận tiền nhưng vô can
Trong phiên tòa xét xử vụ nâng giá kit-test Việt Á những ngày qua, nhiều luật sư đã đưa ra những quan điểm biện hộ cho các bị cáo, bao gồm ông Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng và Chu Ngọc Anh, về việc nhận tiền từ Công ty Việt Á trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Những quan điểm này đều nhấn mạnh rằng việc vi phạm pháp luật là do tình thế khẩn trương và quy định pháp luật không rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn nhận rằng, hành vi nhận tiền này không thể được giải thích đơn giản bằng những lý do trên.
“Tình thế” của các bị cáo
Luật sư Trần Nam Long, đại diện cho cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nêu luận điểm bào chữa cho cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, người bị VKSND Hà Nội đề nghị 19-20 năm tù vì Nhận hối lộ 51 tỷ đồng của Phan Quốc Việt. Theo luật sư, sai phạm của cựu bộ trưởng Long diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đặc thù, đòi hỏi cách xử lý chưa từng có tiền lệ. Việc cấp phép tạm thời cho kit test Việt Á diễn ra ngày 4/3/2020, khi ông Long mới làm thứ trưởng y tế được một tuần.
Luật sư cho rằng trước đó không được phân công nhiệm vụ liên quan cấp phép nên ông Long “không tiếp cận hồ sơ, không nắm được quy trình”. Về thời điểm nhận tiền, theo luật sư, lần đầu vào tháng 12/2020, lần cuối là tháng 11/2021, tức 20 tháng sau khi Việt Á được cấp phép tạm thời và hiệp thương giá test.
Luật sư cho rằng với diễn biến thời gian như vậy thì cáo buộc ông Long “gợi ý, đề nghị” nhận tiền để tác động giúp Việt Á là “rất đáng băn khoăn”, bởi không ai “gợi ý, đề nghị nhận tiền” sau khi việc hoàn thành “cả hơn năm trời như vậy”.
Theo cáo buộc, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng thứ trưởng Phạm Công Tạc có trách nhiệm theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu kit test. Biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu thuộc về Nhà nước, các bị cáo vẫn thực hiện các hành vi trái pháp luật để giúp Công ty Việt Á biến kết quả nghiên cứu thành tài sản riêng.
Trình bày trước tòa, ông Ngọc Anh cho hay theo Luật Khoa học công nghệ và Luật Quản lý tài sản công, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ là người đại diện cho kết quả nghiên cứu khoa học. Bộ phân công thứ trưởng Phạm Công Tạc giúp bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này.
Thế nhưng với đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm, ông Ngọc Anh cho rằng trong bối cảnh “rất cấp bách, khẩn trương”, ông với cương vị bộ trưởng đã trực tiếp đại diện. Sau khi được Vụ Khoa học và Công nghệ báo cáo bằng văn bản, ông dựa vào đó để quyết định lựa chọn đơn vị chủ trì nghiên cứu là Học viện Quân y và Việt Á phối hợp tham gia.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm bào chữa cho cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng trước cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ khi nhận 4 tỷ đồng, bị đề nghị 5-6 năm tù.
Luật sư cho rằng bối cảnh phạm tội của ông Thăng “khá đặc biệt” khi hồi đó dịch bệnh ở Hải Dương diễn biến nhanh, phức tạp nhất cả nước khiến ba lần phải công bố dịch. Việc dập dịch cũng khác so nhiều địa phương khác khi tốc độ lây lan cao, “80% người nhiễm bệnh không có triệu chứng”. Hải Dương có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông nên thời gian ủ bệnh lâu. Có thời điểm, Hải Dương phải cách ly tập trung hơn 15.000 người khiến số lượng F1, F2 phải xét nghiệm rất lớn.
Quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng năng lực của tổ chức và đội ngũ y tế cơ sở, y tế dự phòng và điều trị tại chỗ của tỉnh Hải Dương rất hạn chế khi chỉ xét nghiệm được 800 mẫu một ngày. Được lãnh đạo Bộ Y tế giới thiệu và qua nhiều kênh thông tin, ông Thăng nhận thức Việt Á có năng lực xét nghiệm, có đủ điều kiện để cung cấp kist test và hỗ trợ máy móc, nhân lực hỗ trợ CDC Hải Dương
Luật sư bào chữa cho cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường, bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khi nhận tổng cộng 7 tỷ đồng của Việt Á, tập trung vào quan điểm cho rằng ông Cường đã hành động dưới tâm thế “chống dịch tốt nhất” khi đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ ba tại Hải Dương. Luật sư nhấn mạnh rằng ông Cường đã ban hành nhiều văn bản mời các đơn vị hỗ trợ, không chỉ giới hạn cho Việt Á, với mục đích chính là nâng cao khả năng chống dịch của địa phương.
Tuy nhiên, luật sư chỉ ra rằng các sai phạm của ông Cường xuất phát từ hệ thống pháp luật “lạc hậu, không rõ ràng” và không kịp thời áp dụng cụ thể trong đối phó với đại dịch COVID-19. Những bất cập này đã tạo ra “kẽ hở” cho các cán bộ nhà nước sai phạm.
Tư lợi là tư lợi, không có “nhưng”
Đầu tiên, các luật sư biện hộ thường đưa ra quan điểm sai phạm của các bị cáo là do tình thế khẩn trương và áp lực liên quan đến đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rằng những quyết định này không chỉ đơn thuần là phản ứng tự nhiên của người đứng đầu trong tình thế khẩn cấp. Mà đây là những quyết định có chủ đích, hướng đến mục tiêu cụ thể, đó là tư lợi cá nhân.
Thứ hai, các quan điểm biện hộ thường đề cập đến việc quy định pháp luật không rõ ràng làm nảy sinh những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, điều này chỉ là việc lấp lửng trách nhiệm và không giúp giải thích được tại sao các bị cáo đã nhận tiền và không báo cáo ngay lập tức. Sự chủ đích trong hành động của các bị cáo không thể bị che lấp bởi quan điểm “quy định không rõ ràng”.
Thứ ba, quan điểm biện hộ còn ám chỉ rằng việc nhận tiền không liên quan đến các quyết định có lợi cho Việt Á, đồng thời các bị cáo không có ý định tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào vấn đề, chúng ta thấy rằng những đợt Việt Á “cảm ơn” bằng hàng triệu USD là không thể giải thích được.
Bằng chứng về việc nhận tiền từ Việt Á là một phần quan trọng của quan điểm buộc tội và nó phản ánh rõ ràng mục đích cá nhân của các bị cáo. Việc nhận tiền dù dưới bất cứ lý do hoặc thời điểm nào cũng không thể lý giải rằng các quyết định sai phạm của các bị cáo là “vô tư”. Thay vào đó, nó là một dấu hiệu rõ ràng về hành vi lợi dụng chức vụ nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Trước đó, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã quyết định không xem xét trách nhiệm hình sự, chỉ kiến nghị xử lý theo quy định về Đảng, chính quyền đối với rất nhiều cá nhân với lý do các cá nhân này không được ai can thiệp, tác động; không can thiệp, tác động hoặc thông đồng, thỏa thuận với đơn vị, cá nhân nào; không được hưởng lợi. Cụ thể bao gồm: Ông Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ KH&CN), ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ KHCN), ông Nguyễn Đình Hậu (Vụ trưởng Vụ KH&CN), ông Nguyễn Trường Sơn (Thứ trưởng Bộ Y tế), ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế)…
Qua đây cho thấy, việc xem xét, truy tố trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là đảm bảo tính khách quan, công bằng. Không có chuyện các bị cáo bị truy tố chỉ vì các quyết định vi phạm trong “tình thế cấp bách” hoặc rủi ro nghề nghiệp do “quy định pháp luật không rõ ràng” như các luận điểm biện hộ.
Thành An