+
Aa
-
like
comment

Làm gì có “anh hùng môi trường” nào lại trốn thuế!

Văn Dân - 25/08/2022 12:36

Việc người nổi tiếng bị bắt, xử phạt về tội trốn thuế vẫn diễn ra thường như cơm bữa. Từ ngôi sao bóng đá nổi tiếng như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, đến các minh tinh màn ảnh như Song Hye Kyo, Phạm Băng Băng, Triệu Vy… cũng từng bị điều tra về tội danh trốn thuế. Điều đó cho thấy rằng, không phải cứ là người nổi tiếng thì không có hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên việc một người nổi tiếng trong “hoạt động bảo vệ môi trường” như bà Ngụy Thị Khanh lại trốn thuế ngay trong hoạt động này thì không lý lẽ nào có thể bao biện được.

Bị cáo Ngụy Thị Khanh.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 17/6 đã tuyên phạt bà Ngụy Thị Khanh (Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh – GreenID) 24 tháng tù giam về tội danh “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ luật Hình sự. Trước tòa bị cáo cũng đã thừa nhận hành vi trốn thuế của mình. Vậy nhưng, người ta ngạc nhiên khi đồng loạt từ cơ quan ngoại giao Mỹ đến các tổ chức nhân quyền, môi trường, truyền thông phương Tây lại rầm rộ phản ứng với những lời lẽ hàm hồ, ấu trĩ rằng, “việc kết án là do bị cáo kêu gọi giảm nhiệt điện than và cáo buộc bản án đi ngược cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”. Thậm chí còn đòi trả tự do vô điều kiện cho cái gọi là “anh hùng môi trường” – Ngụy Thị Khanh. Vì sao có chuyện lạ đời như vậy? Làm gì có anh hùng nào lại đi trốn thuế bao giờ đâu?

Được biết, GreenID là một tổ chức khoa học, công nghệ được thành lập năm 2011 để nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng. Nhưng đằng sau những hoạt động tích cực vì môi trường thì hành vi trốn thuế của bà Khanh đã không qua mắt được cơ quan chức năng. Việc một cá nhân đứng đầu tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, mang hình hài của một dạng xã hội dân sự bị khởi tố, bắt giam về hành vi “trốn thuế” vốn dĩ hết sức bình thường, diễn ra hàng ngày tại tất cả các quốc gia.

Cần nhớ, bà Khanh đang bị kết án về tội “trốn thuế”, tội danh mà bất cứ quốc gia nào cũng nghiêm trị, trong đó có pháp luật Mỹ. Vậy cớ sao Bộ Ngoại giao Mỹ lại đòi Việt Nam trả tự do cho bị cáo với lý do là người hoạt động vì môi trường. Không biết bà Khanh hoạt động được gì cho môi trường, nhưng chắc chắn điều đó không có liên quan gì đến tội trốn thuế. Nếu cho rằng cơ quan pháp luật của Việt Nam kết án về tội trốn thuế oan cho bà Khanh, Mỹ hay các tổ chức quốc tế trên nên đưa ra chứng cứ để chứng minh, thay vì cứ tung ra luận cứ chẳng chút liên quan nào để lèo lái, đánh lận thêm bớt yếu tố chính trị để tạo cớ công kích, phê phán Việt Nam là không đúng, không đàng hoàng.

Những suy diễn vô căn cứ nhằm kích động, chống phá trên mạng xã hội.

Nói cho ngay, việc kết án bà Ngụy Thị Khanh, Việt Nam không đi ngược lại những cam kết về biến đổi khí hậu. Từ xuất phát điểm thấp, tiềm lực kinh tế vẫn còn hạn chế nhưng không vì thế mà Việt Nam chỉ lo phát triển kinh tế, không quan tâm, chăm lo đến bảo vệ môi trường. Minh chứng rõ ràng nhất là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào cuối năm 2021 tại Anh. Đồng thời luôn cam kết thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Điều này được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chính sách cũng như chủ trương của Việt Nam. Do đó, việc các nhà quan sát quốc tế cho rằng Việt Nam đang đi ngược lại với các cam kết quốc tế là không có cơ sở.

Thẳng thắn mà nói, việc các tổ chức, cá nhân mạnh miệng kêu gào “quan ngại”, “trả tự do cho nhà hoạt động bảo vệ môi trường” thực chất hoàn toàn không phải vì môi trường sống của nhân loại hay cụ thể là người dân đang sinh sống tại quốc gia xa lắc bên kia bán cầu là Việt Nam, càng không phải vì lý tưởng dân chủ, nhân quyền cao đẹp hay vì cá nhân đối tượng Nguỵ Thị Khanh. Đây chỉ là vật tế thần, cái cớ để họ vin vào thực hiện mưu đồ chính trị đen tối, chĩa mũi dùi công kích, bôi nhọ, hạ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Dùng đi dùng lại những chiêu trò, thủ đoạn cũ rích đã nhiều lần bị bóc trần, lên án, xem ra những loài “giá áo túi cơm” (kẻ tầm thường, không làm nên trò trống gì) cũng ngày càng trí tàn lực kiệt mà vẫn cố đấm ăn xôi. Công tội phân minh, vi phạm pháp luật là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đừng dùng những từ như “anh hùng môi trường” để che lấp đi những hành vi vi phạm pháp luật của Ngụy Thị Khanh.

Văn Dân

Bài mới
Đọc nhiều