+
Aa
-
like
comment

Lạm dụng ngân sách cả tỷ nhưng bao giờ Sóc Trăng mới có tuyến phòng thủ kiên cố?

Đặng Trường - 07/10/2019 21:34

Thời gian gần đây, Sóc Trăng liên tục được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, tưởng đâu là những sự việc tích cực đại loại là kinh tế có bước chuyển mình, sản lượng thủy hải sản tăng vọt,… nhưng không, đa phần là thông tin tiêu cực về lạm dụng ngân sách, tài sản công của lãnh đạo tỉnh này.

Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum là người ký duyệt quyết định chi gần 1 tỷ đồng mua camera.

Có vẻ như chữ “công” ở Sóc Trăng bị lạm dụng chưa đủ nên mới đây tỉnh này đã mạnh tay chi cả gần tỷ đồng để lắp camera nhà lãnh đạo khiến dư luận không khỏi bức xúc. Chẳng biết từ bao giờ lãnh đạo, cán bộ địa phương lại được quyền sử dụng ngân sách để phục vụ cho nhu cầu, mục đích riêng? Huống hồ, theo Khoản 4 Điều 3 và Điều 10 Luật Cảnh vệ năm 2017 thì ở cấp tỉnh không có cán bộ nào thuộc đối tượng cảnh vệ. Cán bộ thuộc đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ mới được bảo vệ tại nơi làm việc, trên đường đi công tác và tại nhà riêng. Rõ ràng người ký duyệt Quyết định chi gần 1 tỷ đồng mua 16 bộ camera đã làm một việc rất sai trái.

Nhưng đáng nói hơn nữa, nếu vì mục đích phòng chống khủng bố như các ông nói thì sao chỉ lắp camera ở nhà các quan còn nhà dân không có? Chẳng lẽ quan được bảo vệ còn nhân dân thì không sao? Vì muốn được bảo vệ tính mạng, tài sản riêng, vì muốn thể hiện cuộc sống cao sang mà một số cán bộ, lãnh đạo tỉnh nhắm mắt tán thành quyết định lắp camera bằng tiền của dân rồi ngụy biện bằng lý do “chống khủng bố, vì an ninh”. Nói thật, chẳng có thằng khủng bố nào mà mò về tận Sóc Trăng để tiêu diệt nhà các ông cả, có chăng chỉ trong tưởng tượng mà thôi.

Đoàn xe công đề huề đi dự đám cưới con trai của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng được biết đến là một tỉnh nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay hầu như luôn nhận hỗ trợ từ Trung ương. Theo báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2019 của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 2,3 tỷ đồng nhưng tổng chi ngân sách lại hơn 5 tỷ đồng. Con số bội chi gần 3 tỷ đồng này đều do Trung ương gánh. Xót xa hơn nữa là tỉ lệ hộ nghèo ở Sóc Trăng còn tới 8,4%, tương ứng hơn 27.150 hộ. Còn biết bao nhà dân hở trên trống dưới, thiếu trước hụt sau, không ít người dân ven biển ngày ngày đối diện với tình trạng xâm ngập mặn, đời sống kinh tế khó khăn vô cùng. Có lẽ hiểu và cảm thông trước nỗi khổ của người dân nên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu đã không đồng ý lắp camera, còn 15 người còn lại của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn bất chấp lắp cho bằng được.

Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân”, để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả và không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp thì nhiều năm nay, nước ta đã đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Từ chỉ thị số 21-CT/TW năm 2012 của Ban Bí thư đến văn bản pháp lý cụ thể là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (năm 2013) rồi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký ban hành Quyết đinh số 213 về việc ban hành chương trình tổng thể của Chính phủ thực hành tiết kiện, chống lãng phí năm 2019. Tưởng chừng như những chủ trương, hành động quyết liệt này sẽ lan tỏa, đi sâu vào tất cả các bộ máy chính quyền địa phương nhưng không, ở tỉnh Sóc Trăng, một số lãnh đạo, cán bộ vẫn đi trật đường ray mà nhân dân đang kỳ vọng. Vì vậy phải điều tra rõ, xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc thay vì chỉ biết rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai đâu sửa đó.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói một câu rất hay thế này: “Không tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng nền kinh tế mạnh”, nếu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Sóc Trăng không tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế, không chăm lo cải thiện đời sống của người dân, không tạo điều kiện cho người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế mà chỉ chăm chăm vào cuộc sống cá nhân, tư lợi cho riêng mình thì không biết bao giờ mới có “tuyến phòng thủ vững chắc”.

Hiện nay, công tác phòng thủ trên biển, đối phó với những kẻ xâm phạm chủ quyền vẫn đang cần những bàn tay rắn chắc. Gần bên Sóc Trăng là ngư trường trọng điểm Cà Mau – Kiên Giang và các ngư trường lân cận, đất nước vẫn hy vọng người dân tỉnh này căng buồm ra khơi đánh bắt, làm giàu và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng. Nếu kinh tế Sóc Trăng có sự chuyển biến, những người đàn ông yên tâm ra biển thì đó chính là tuyến phòng thủ kiên cố, vững chắc nhất mà tỉnh này đã xây dựng được.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều