+
Aa
-
like
comment

Làm cao tốc Bắc Nam cần kinh nghiệm của ai?

10/07/2019 17:24

Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia sơ tuyển dự án cao tốc Bắc Nam, Bộ Giao thông vận tải sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, tiêu chí tài chính (60 điểm) và kinh nghiệm (30 điểm) đối với chủ đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam được cho là “quá sức” với các doanh nghiệp Việt. 

Một ví dụ, doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án, nghĩa là với các phần dự án cao tốc Bắc Nam mà vốn đầu tư từ 5.000 tỉ đồng đến 10.000 tỉ đồng thì vốn chủ sở hữu ít nhất là 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải từng tham gia các dự án lớn tương đương.

Rõ ràng, doanh nghiệp Việt sẽ hạn chế rất lớn về vốn chủ sở hữu, đặc biệt là khi so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng đó, yêu cầu về kinh nghiệm “đã tham gia các dự án lớn” là quá “kì” khi mà các dự án lớn ở Việt nam xưa nay đều rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Cho đến thời điểm này, ý thức về vấn đề phát huy sức mạnh nội tại của đất nước trong tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia đã được dư luận quan tâm chú ý, đề cao. Vậy thì, việc đặt ra các tiêu chí kinh nghiệm mang phần “bất hợp lý” của Bộ Giao thông vận tải có phải là đi ngược với tập thể một cách sai lầm?

Ai cần kinh nghiệm?

Các dự án quốc gia về giao thông vận tải tại Việt Nam từ xưa đến nay đều đã sử dụng qua rất nhiều nhà thầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp,… Cũng chưa lần nào Bộ Giao thông vận tải bỏ qua yếu tố “kinh nghiệm” của nhà thầu trong việc đánh giá, tuyển chọn. Thế mà, dự án đội vốn vẫn đội vốn, công nghệ lạc hậu vẫn cứ lạc hậu, chậm tiến độ vẫn cứ thế chậm tiến độ hơn nữa. Nói đúng ra thì cái gọi là kinh nghiệm của nhà thầu vẫn chưa thấy thể hiện được lợi ích thực tế nào trong triển khai xây dựng các dự án giao thông tại Việt Nam.

Thay vào đó, khi tự nhìn nhận vấn đề bằng cách so sánh các tiêu chí đầu tư, nhà thầu xây dựng, vốn,… của dự án tại Việt Nam với nước ngoài, thì mọi chứng cứ đều đổ dồn đến nguyên nhân do quản lý kém. Cùng là nhà thầu Nhật Bản, nhưng tuyến Metro ở Indonesia xong trong vòng 5 năm còn tuyến Metro tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang đắp chiếu. Cùng là đường sắt nội thành thủ đô, nhưng đường sắt tại Kuala Lumpur (Malaysia) thì tự động hóa, nhẹ, dài nhất châu Á; trong khi đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội thì công nghệ lạc hậu, mỹ quan xấu xí,…

Thứ cần được quan tâm ở đây là kinh nghiệm quản lý. Lâu nay, ông Bộ Giao thông vận tải luôn tự đặt ra yêu cầu về kinh nghiệm của nhà thầu nhưng chính ông chủ quản lý này lại có kinh nghiệm tệ hại. Khổ nỗi, không có ai có thể thay thế vì cứ có dự án giao thông vận tải là Bộ Giao thông vận tải sẽ đương nhiên là chủ thể quản lý, giám sát. Khi kinh nghiệm nhà thầu và kinh nghiệm quản lý mất cân bằng, hậu quả là những gì đã thấy ở những dự án lớn tại Việt Nam thời gian qua – đội vốn, chậm tiến độ và lạc hậu. Đừng mãi mải mê chạy đi tìm nhà thầu có kinh nghiệm, hãy tự củng cố kinh nghiệm của cơ quan chủ quản thì đúng hơn.

Chưa hợp lý thì đừng làm

Nói gì đi nữa, dự án cao tốc Bắc Nam cũng là một dự án trọng điểm quốc gia. Ngoài các yếu tố về vốn, nhân lực, công nghệ,… thì việc triển khai xây dựng dự án này còn liên quan đến an ninh quốc gia. Không sử dụng được nguồn lực trong nước, chính chúng ta đang tự đặt mình vào nguy cơ sập bẫy nợ, không bảo đảm được các bí mật về an ninh, quốc phòng trong quá trình triển khai dự án.

Và nếu tiếp tục không cho các doanh nghiệp trong nước một cơ hội, sẽ chẳng bao giờ chúng ta thấy được sự phát triển của đất nước mình. Cứ đòi hỏi doanh nghiệp phải “có kinh nghiệm” nhưng không cho họ cơ hội bắt đầu, thì lấy đâu ra kinh nghiệm cho những lần sau nữa? Chẳng khác nào tư duy nhược tiểu, sính ngoại, coi thường chính nội lực quốc gia.

Thử nhìn sang Triều Tiên mà xem? Một quốc gia gần như “đóng cửa” với thế giới trong nhiều năm liền, nhưng vẫn có những nhà cao tầng đẹp mỹ miều, hệ thống giao thông rộng lớn, hiện đại… Xuất phát điểm của Triều Tiên cũng chẳng hơn Việt Nam ngày hôm nay là bao nhiêu? Vậy mà người Triều Tiên đã tự phát huy được sức mạnh dân tộc của họ để làm nên được những thứ to lớn như thế. Chúng ta để thua kém họ sao?

Điều quan trọng tiên quyết phải là niềm tin và sự dũng cảm bắt đầu. Dự án cao tốc Bắc Nam không chỉ quan trọng về yếu tố cấp thiết mà nên cần trở thành bước ngoặt cho sự thay đổi. Thay đổi về tư duy, lòng tin. Thay đổi những hình ảnh xấu xí của đội vốn, chậm tiến độ hay công nghệ lạc hậu. Thay đổi cả chính vị thế, tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong nước.

Kinh nghiệm của ai, nhà thầu ở đâu? Đừng để Bộ Giao thông vận tải cứ mãi gói gọn trong quá khứ cũ kĩ.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều