+
Aa
-
like
comment

Lạm bàn về sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học

Bảo An - 11/03/2022 16:19

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bất bình về việc một số nhà khoa học của Học viện Quân y bị khởi tố, bắt tạm giam do có sai phạm trong vụ kit test Việt Á. Chưa bàn đến câu chuyện tham nhũng, tiêu cực, chỉ riêng việc lợi dụng khoa học, “ngụy” khoa học xảy ra tại đây cũng đã không thể chấp nhận được.

Giám đốc công ty Việt Á giới thiệu bộ Kit test

Theo thông tin từ Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, đơn vị này đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó GĐ Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) để điều tra về tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng với đó, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư (Học viện Quân y) cũng bị tạm giam để phục vụ điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, nhiều sỹ quan cấp tướng, tá của Học viện Quân y cũng đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận có sai phạm liên quan đến vụ Việt Á.

Hành vi tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân có liên quan sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ. Trong bài viết này, xin không bàn luận về việc tham nhũng, tiêu cực mà chỉ mạn phép bàn về sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Thực tế chứng minh, một quốc gia muốn phát triển thì phải dựa vào khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, Việt Nam luôn chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học. Nước ta có hẳn Bộ khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tại Luật Khoa học và Công nghệ, chúng ta đã khẳng định rõ chính sách: “Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”. Nói như vậy để thấy, công tác nghiên cứu khoa học luôn là khu vực được ưu tiên đầu tư.

Và dĩ nhiên, khoản tiền dành cho nghiên cứu khoa học không hề ít. Vậy nhưng dư luận không khỏi băn khoăn: liệu số tiền mà ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học có thực sự mang lại hiệu quả?

Không phải đến vụ việc Việt Á và Học viện Quân y câu chuyện lợi dụng nghiên cứu khoa học để mưu lợi cá nhân mới được dư luận đặt ra. Mỗi năm, khi đến đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, giới khoa học lại một hồi xôn xao liên quan đến tiêu chuẩn của một số ứng viên. Và kéo theo đó là việc tố cáo hành động sao chép, giả tạo sản phẩm khoa học. Hay như cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học cũng khiến nhiều người băn khoăn liệu kết quả đó có phải do học sinh nghiên cứu ra hay chỉ là việc người lớn “cầm tay” học sinh chạy theo những giá trị “nguỵ khoa học”? Nói vậy để thấy những nghi ngại về việc “nguỵ khoa học” đã tồn tại từ lâu chứ không phải đến giờ mới phát sinh.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, những có 4 vấn đề bị nghiêm cấm. Thứ nhất là việc lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thứ hai là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ. Thứ ba là việc tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ. Và cuối cùng là hành vi cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dù muốn hay không muốn thì vụ việc tại Học viện Quân y đang thực sự làm mất “giá”, mất uy tín của giới khoa học. Chắc chắn những người làm khoa học chân chính sẽ cảm thấy bị sỉ nhục về điều này.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý khoa học. Phải chặn đứng những mối quan hệ tiêu cực, những “cú bắt tay ngàn tỷ” ẩn sau danh nghĩa khoa học. Đặc biệt, phải củng cố tính liêm chính của những người làm khoa học. Nếu ngay cả nghiên cứu khoa học cũng bị “nhúng chàm” bởi tham nhũng, tiêu cực, không giữ được sự minh bạch thì niềm tin của người dân sẽ chẳng biết đặt vào đâu?

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều