+
Aa
-
like
comment

Lại vụ bé gái 8 tuổi: Đừng học đòi “múa rìu qua mắt thợ” rồi chê bai luật pháp Việt Nam

An Diễm - 13/01/2022 12:10

Vụ việc bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ hành hạ dẫn đến tử vong đang làm xôn xao cả nước, từng người qua vụ việc đau lòng này đều rút ra cho mình những bài học riêng. Đối với các đối tượng cơ hội, chống phá như Phạm Minh Vũ thì “bài học” duy nhất mà họ rút ra là chỉ trích chính quyền và luật pháp.

Người dân xót thương bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong

Trong bài viết mới trên trang cá nhân, Phạm Minh Vũ kể lể dài dòng về những kỷ niệm thời thơ ấu, rồi đặt câu hỏi vì sao nhiều người ở cùng khu chung cư biết sự việc bé gái bị bạo hành cả năm trời nhưng im lặng không can thiệp, để xảy ra hậu quả đau lòng. Rồi đối tượng tự đưa ra một câu trả lời chẳng hề liên quan: là vì luật pháp không nghiêm nên không can thiệp kịp thời, vụ việc xảy ra mới vội vàng đi xử lý. Thử hỏi nếu những người biết vụ việc mà im lặng, không ai lên tiếng hay báo cáo thì làm sao để cơ quan chức năng biết mà xử lý? Thực tế, khi bé gái 8 tuổi được đưa đến bệnh viện, các bác sỹ ở đây phát hiện bất thường đã báo cho công an và ngay lập tức mọi lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và bắt tạm giam “dì ghẻ”.

Phạm Minh Vũ còn cho rằng trong quá trình điều tra, phải “nhờ” dư luận lên tiếng và gây áp lực thì mới đưa ra tội danh và bắt giam kẻ phạm tội. Tư duy này giống với một đối tượng khác là Hoàng Dũng, kẻ đã tung số điện thoại và thông tin cá nhân của lãnh đạo công an Quận Bình Thạnh (nơi xảy ra vụ việc) lên mạng để kêu gọi nhắn tin “khủng bố”, gây sức ép với lực lượng chức năng để xử lý vụ việc. Rõ ràng là trong khi chê bai luật pháp, hai đối tượng này không hề tôn trọng luật pháp, mà chỉ muốn đòi hỏi luật pháp phải xử lý vụ việc theo ý muốn chủ quan của mình. Luật pháp nghiêm minh, nhưng phải công bằng và đúng người đúng tội, khi chưa đủ chứng cứ thì không thể tùy ý kết luận. Việc thay đổi tội danh với các bị cáo đã diễn ra ngay sau khi công an phục hồi các dữ liệu video từ camera trong nhà chứng minh các hành vi phạm tội của hai đối tượng liên quan vụ việc.

Luận điệu lên tiếng chê bai luật pháp phải chạy theo dư luận là điển hình cho tư duy “múa rìu qua mắt thợ”, không có chuyên môn nhưng đòi chê bai các lực lượng hành pháp. Đầu năm 2019 ở Điện Biên xảy ra một vụ án nghiêm trọng, một nữ sinh đi giao gà cho khách bị bắt giữ rồi hãm hại, sau đó tử vong. Cộng đồng mạng từ thương cảm trở nên kích động, nhiều người lên tiếng chỉ trích lực lượng chức năng vì nữ sinh bị mất tích nhiều ngày nhưng không thể tìm ra và kịp cứu nạn. Nhưng kết quả sau cùng làm nhiều người sốc, mẹ nữ sinh báo cho công an việc con mất tích nhưng khai man, che dấu hết nguyên nhân khiến công an không thể điều tra ra vụ việc sớm. Sự thật là bà ta buôn bán ma túy nhưng không trả tiền, nên “đối tác” bắt giam rồi hãm hại con gái để trả thù, và đến lúc đó bà ta vẫn cố che giấu vụ việc để tránh mang họa.

Một vụ việc khác liên quan đến sự “nhanh nhảu” suýt hỏng việc của cộng đồng mạng. Đây là vụ việc cũng xảy ra vào năm 2019, có 2 kẻ nghiện ngập ở Yên Bái lên Hà Nội thuê xe Grab rồi sau đó ra tay sát hại tài xế để cướp xe. May mắn là trước khi chạy xe, do không yên tâm nên tài xế đã chụp lại ảnh 2 đối tượng gửi cho người nhà. Sau khi vụ việc xảy ra thì công an đã đăng tải công khai ảnh 2 đối tượng để nhờ người dân thấy thì trình báo. Tuy nhiên nhiều cư dân mạng khi biết danh tính hai đối tượng thì thay vì báo công an lại nhanh nhảu bàn tán với nhau trên mạng. Lực lượng chức năng sau đó cho biết vì việc này mà hai đối tượng bị đánh động, suýt nữa đã kịp bỏ trốn sang bên kia biên giới Trung Quốc.

Thực tế sau khi các vụ việc xảy ra thì cơ quan điều tra đã xử lý quyết liệt, nhiều tình tiết bị đưa ra ánh sáng. Những phải thừa nhận một thực tế là họ chỉ có thể xử lý khi nắm được thông tin, còn trước đó phải phụ thuộc vào “tai mắt” của nhân dân. Không có một hệ thống hành pháp nào “thần thánh” đến mức độ can thiệp được các vụ việc mà không cần có thông tin. Luật pháp Việt Nam hay kể cả luật pháp Mỹ cũng đều như vậy, và thực tế là ở Mỹ, dù có hệ thống luật pháp hay được khen ngợi thì các vụ việc đau lòng vẫn xảy ra. Theo thống kê, năm 2019 ở Mỹ có tới hơn 1800 vụ việc tương tự như vụ bé gái 8 tuổi.

Đọc bài viết của Phạm Minh Vũ chúng ta thấy được sự lươn lẹo, vu vạ không thể chối cãi. Bé gái bị bạo hành cả năm, hàng xóm biết nhưng im lặng – lỗi do luật pháp. Vụ việc xảy ra mà chưa thu thập đủ chứng cứ khép tội – lỗi do luật pháp “mất tính chủ động”. Rõ ràng mục đích chính của Phạm Minh Vũ chỉ là kiếm cớ để đổ lỗi cho chính quyền, nhằm hạ thấp uy tín và kích động gây chia rẽ. Khi không thể nói được điều gì tử tế, tốt nhất là hãy nên im lặng để cho cơ quan chức năng làm việc.

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều