+
Aa
-
like
comment

Lại um sùm việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

17/06/2020 19:02

Tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 16/6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, đến nay không thấy đơn vị Cty Môi trường Việt Nhật (JVE) phản hồi thông tin liên quan yêu cầu của thành phố Hà Nội. “Chúng tôi hiểu là công ty đã từ bỏ”, ông Thắng nói.

Lại um sùm việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 16/6, liên quan đến công tác xử lý nước thải, một số phóng viên báo chí đặt vấn đề về công tác làm sạch sông Tô Lịch, đặc biệt liên quan đến việc thí điểm bằng công nghệ Nhật của Cty Môi trường Việt Nhật (JVE).

Trao đổi về vấn đề này, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, trước đây đã có thông tin cụ thể liên quan đến việc thí điểm này, thành phố cũng đã có thông báo công khai trên báo chí nên không nói thêm về việc này.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, trước đây, thành phố đã có yêu cầu đơn vị báo cáo rõ về kết quả thí nghiệm, văn bản pháp lý liên quan đến công nghệ xử lý nước thải…

“Cho đến nay chúng tôi không nhận được phản hồi và Cty cũng không liên hệ. Chúng tôi hiểu là Cty đã từ bỏ”, ông Thắng nói.

Liên quan đến việc này, phía JVE đã lên tiếng phản hồi. Đơn vị này cho biết, thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập.

JVE không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra.

“JVE chúng tôi chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng chúng tôi từ bỏ việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch và qua đây, chúng tôi khẳng định ông Hoàng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – không phải là “người phát ngôn” của JVE chúng tôi”, nội dung công văn của JVE khẳng định.

Bên cạnh đó, phía JVE cho biết thêm, hiện nay phía đơn vị Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp giữa cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm hiện nay và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm bên trong “cơ thể sống” của sông Tô Lịch.

Từ đó, phía Nhật Bản sẽ báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Hồi tháng 11/2019, UBND thành phố Hà Nội có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương Mại – Môi trường Nhật Bản và Cty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sộng Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thống nhất kết luận và chỉ đạo nhiều nội dung liên quan.

Đáng chú ý, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho rằng, trong quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố.

Cụ thể, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm xử lý khi chưa có kết quả thử nghiệm; không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

Về việc này, người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản, Công ty JVE và các cá nhân tham gia nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam và của thành phố Hà Nội về lĩnh vực môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản chuẩn bị, gửi sở Xây dựng Hà Nội các hồ sơ, tài liệu như: Hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano-Bioreactor (có bản thuyết trình toàn bộ về công nghệ); Giấy chứng nhận công nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Hồ sơ giới thiệu năng lực của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản; danh sách các công trình dự’ án đã được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor tại Nhật Bản và các nước khác.

“Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội về tính chính xác, pháp lý đối với các hồ sơ cung cấp nêu nên”, thông báo do Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định nêu rõ. UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng rà soát, giới thiệu một hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để tổ chức trên xử lý mùi và làm sạch nước, bùn hồ bằng công nghệ nano-bioreactor.

Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định; không công bố, thông tin kết quả cho công luận khi chưa được cơ quan chức năng đánh giá kết quả thử nghiệm.

Sau khi thực hiện các nội dung nêu trên, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị, mời đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và nước ngoài để đánh giá về công nghệ nano-bioreactor theo quy định.

Trường Phong/TPO

Bài mới
Đọc nhiều