“Hội anh em dân chủ” lại mang tư duy ấu trĩ về “nhân quyền” để công kích Thủ tướng
“Nhân quyền” là cái cớ quen thuộc của các đối tượng chống phá nhằm lên kế hoạch phá hoại sự đoàn kết của nhân dân ta. Chúng cho rằng, chỉ có thông qua “dân chủ”, “nhân quyền” mới có thể làm suy giảm niềm tin của người dân đối với đất nước. Và cứ thế, mọi vấn đề xảy ra tại Việt Nam chúng đều mượn “nhân quyền” để bịa đặt, xuyên tạc.
Cụ thể, trong hội nhóm facebook “Nguyễn Văn Đài và những người bạn” – một “phân nhánh” của Hội anh em dân chủ của Đài – đối tượng Tinh Tri Chau đăng tải bài viết có tiêu đề “Nhân quyền ở Việt Nam như trò mèo” với nội dung hết sức xuyên tạc, bịa đặt nhân quyền ở Việt Nam. Chúng nói rằng “bầu cử ở Việt Nam là trò mèo” vì những người tài đức trong nhân dân không ai được ra ứng cử. “Người dân Việt Nam không được quyền biểu tình để phản đối những việc làm sai trái của nhà nước, cứ hễ người dân phản đối thì bị chụp mũ phản động và đây cũng được gọi là nhân quyền”, đối tượng rêu rao.
Thậm chí, chúng còn xuyên tạc phát biểu của Thủ tướng về vấn đề nhân quyền tại cuộc trao đổi bên lề COP26 mới đây: “Thủ tướng không hiểu thế nào là nhân quyền cũng lên tivi phát biểu… phát biểu của ông được sao chép từ thằng tàu cộng”.
Trước hết về câu chuyện bầu cử, xin thưa đã có những người hội tụ đủ phẩm chất, tiêu chuẩn đã tự ứng cử thành công, được cử tri bầu làm đại biểu và có đóng góp tích cực cho nước nhà. Điển hình trong kỳ đại hội mới đây có 9 người tự ứng cử. Họ là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, là Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, là Phó ban nghiên cứu và đào tạo, Hội luật gia VN, là Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung VN… Họ không phải người tài giỏi được tự mình đứng ra ứng cử sao?
Hơn nữa, quyền vận động bầu cử của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử đã được đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng pháp luật. Các ứng cử viên là người do Trung ương hay địa phương giới thiệu, là đảng viên hay người ngoài đảng, được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử, cũng đều bình đẳng. Luận điệu cho rằng “tranh cử không công bằng”; “bộ máy truyền thông” của Đảng, Nhà nước chỉ tập trung “tuyên truyền cho các ứng viên nằm trong tay Đảng” là hoàn toàn bịa đặt.
Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ sau để thấy được niềm tin của người dân vào Việt Nam lớn đến nhường nào: Năm 2016, khi tiến hành bầu cử 98,77% cử tri cả nước đã đi bầu. Cũng cùng năm, việc bầu cử diễn ra tại Mỹ chỉ thu hút được khoảng 50% số cử tri tham gia. Một câu hỏi được đặt ra, nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền thì người dân có thể tin tưởng và đi bầu cử nhiều đến như vậy?
Thủ tướng đã khẳng định mạnh mẽ lập trường rõ ràng của mình với cộng đồng quốc tế về vấn đề xưa nay vốn được xem là “khá nhạy cảm” trong quan hệ của Việt Nam với một số nước phương Tây, nơi luôn có xu hướng lấy chuyện dân chủ và tự do ngôn luận để gây sức ép. “Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Bởi lẽ, hơn ai hết, Thủ tướng hiểu rằng đất nước ta là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, chất lượng cuộc sống đang ngày một tiến bộ, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân có khó khăn, nhất là bà con sinh sống ở khu vực miền núi. Lời phát biểu ấy hoàn toàn hợp lý, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn ở nước ta.
Qua đại dịch vừa qua, qua những chính sách an dân kịp thời có thể thấy Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt là an sinh xã hội, vì con người là vốn quý nhất. Người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh rằng: “Tôi sẵn sàng nói hết, trao đổi hết, không có căng thẳng, sợ sệt. Bởi mọi quan điểm xuất phát từ việc mọi quyền lực thuộc về nhân dân, có sự phân công phối hợp giám sát giữa các cơ quan; trên nền tảng đó xây dựng nền dân chủ, dân quyền”.
Và hãy nhìn những điều mà Thủ tướng đã làm để đảm bảo an sinh cho người dân chỉ trong đợt dịch vừa qua. Ông đã ban hành hàng loạt các biện pháp chống dịch, huy động toàn bộ lực lượng y tế, Công an, Quân đội vào vùng dịch; giải ngân hàng loạt các chính sách hỗ trợ người dân vùng dịch; xúc tiến đàm phán và ngoại giao về vaccine; trực tiếp thực hiện hàng loạt các cuộc thị sát bất ngờ vào tâm dịch cũng như hàng chục buổi họp chỉ đạo chống dịch xuyên đêm với các địa phương… Lời phát biểu về nhân quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ đơn thuần là trên cương vị một nhà lãnh đạo mà xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm đối với Nhân dân, với sự phát triển của đất nước.
Và thành quả sau hàng loạt hành động chủ động, linh hoạt quyết đoán ấy là 13 triệu người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nhận được tiền hỗ trợ. Trên cả nước, số người dân được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 càng tăng lên. Số ca bệnh nặng cũng như tử vong cũng đang có dấu hiệu giảm dần.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ quyền con người. Đặc biệt, trong năm 2020, khi đất nước phải đối mặt với thiên tai, bão lũ khủng khiếp; khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, có thể thấy đất nước đã thống nhất một lòng, phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau. Trong khi ở nhiều quốc gia dân chủ phương Tây, dịch bệnh lấy đi mạng sống của rất nhiều người thì tại Việt Nam, không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đơn độc đối đầu với dịch bệnh.
Có thể thấy thủ đoạn của chúng là cố tình hiểu sai vấn đề, chỉ trích những nhà lãnh đạo của chúng ta “thiếu hiểu biết”, “chà đạp lên quyền bình đẳng, quyền con người” để hướng lái, tác động, thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam, đưa Việt Nam vào quỹ đạo lệ thuộc. Vì vậy, đừng hòng núp danh “dân chủ”, “nhân quyền”, đừng hòng tiếm danh hai chữ “nhân dân” để chống phá chính quyền. Hơn ai hết, chính nhân dân Việt Nam là người hiểu rõ nhất tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Hải Anh