+
Aa
-
like
comment

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm, ngân hàng hưởng lợi lớn nhất

06/01/2021 07:40

Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng trong những ngày đầu năm 2021 lại tiếp tục giảm. Các dự báo cho thấy, lãi suất huy động còn duy trì ở mức thấp trong nhiều tháng nữa. Hưởng lợi nhất vẫn là các ngân hàng.

Lãi suất tiếp tục giảm

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thương mại ngay những ngày đầu năm 2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020. Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) điều chỉnh giảm từ 0,1-0,3 điểm % tại nhiều kỳ hạn. Với kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, lãi suất tiết kiệm niêm yết lần lượt là 3,3%/năm và 3,9%/ năm, giảm 0,1 điểm %; kỳ hạn 12 tháng là 5,6%/năm, giảm 0,2 điểm %; kỳ hạn 24 tháng là 5,4%/năm, giảm 0,3 điểm %.

Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (AgriBank) đồng loạt giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 12/2020 với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng được niêm yết ở mức 3,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng có cùng lãi suất 3,4%/năm; các kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng được ấn định chung ở mức 4%/năm; kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 24 tháng là 5,8%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm, ngân hàng hưởng lợi lớn nhất
Từ đầu năm 2021, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,05-0,4 điểm %. Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng có mức lãi suất tiết kiệm là 2,85%; kỳ hạn 6 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,4%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 4,9%/năm.

Với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống được điều chỉnh giảm từ 0,1-0,5 điểm %. Kỳ hạn 1 tháng có lãi suất là 3,8%/năm, giảm 0,2 điểm %; kỳ hạn 12 tháng có lãi suất là 6,19%/năm, giảm 0,5 điểm %.

So sánh lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng cho thấy, với kỳ hạn 1 tháng cao nhất thuộc về các ngân hàng: TMCP Sài Gòn (SCB), TMCP Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital), Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) là 4%/năm.

Kỳ hạn 3 tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với 4,05%/năm; kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất là 6,70%/năm thuộc về ngân TMCP Xây dựng Việt Nam (CBBank).

Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng TMCP Kiên Long (Kien Long Bank) dẫn đầu với lãi suất 7,10%/năm, theo sau là Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) 7%/năm; kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cao nhất với mức 7,30%/năm; kỳ hạn 36 tháng, ngân hàng NCB và Kien Long Bank có lãi suất huy động cao nhất với mức 7,30%/năm.

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định trong các tháng đầu năm 2021.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm khá tích cực, một số ý kiến lo ngại áp lực huy động vốn thời gian tới sẽ tăng lên, kéo theo sự biến động của mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, tác động này sẽ không đủ lớn và mặt bằng lãi suất sẽ vẫn giữ ở mức thấp trong các quý đầu năm 2021, tạo thành một trạng thái khá ổn định và kéo dài.

Công ty Chứng khoán VietcomBank dự báo với bối cảnh mặt bằng lãi suất đang thấp nhất trong lịch sử như hiện tại, xu hướng đi ngang trong ngắn hạn sẽ là chủ đạo của lãi suất các kỳ hạn cả huy động lẫn cho vay.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho biết, lãi suất huy động sẽ không tăng trong nửa đầu năm 2021 vì các nhà băng phải giữ lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Ngân hàng lợi đủ đường

Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp là điều nhiều ngân hàng mong muốn bởi giúp giảm chi phí vốn và tăng lợi nhuận. Thực tế cho thấy, từ quý 3/2020 trở đi, biên lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại tăng lên so với trước là do lãi suất huy động rơi vào vùng thấp lịch sử, trong khi lãi vay giảm không tương ứng.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm, ngân hàng hưởng lợi lớn nhất
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm chỉ ngân hàng hưởng lợi.

Ngân hàng đầu tiên vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 là TienphongBank, với lợi nhuận trước thuế tăng 11% so với năm 2019. Còn theo báo cáo tài chính của một loạt ngân hàng, đến hết tháng 11/2020 hầu hết đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP An bình (ABBank), hết tháng 11/2020, đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hoàn thành 101% kế hoạch năm 2020. Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), tính đến ngày 30/11, đạt lợi nhuận trước thuế 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Ngân hàng TMCP Phương đông (OCB) lợi nhuận trước thuế luỹ kế tới cuối tháng 11 đạt 3.830 tỷ đồng, cao hơn 18% so với lợi nhuận cả năm 2019. Ngoài ra, các ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank),VIB, Bưu điện Liên việt (LienvietpostBank), Hàng hải (MSB) đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm từ cuối tháng 9 và cuối tháng 10/2020.

Mặc dù các ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, song các dự báo cho thấy lãi suất cho vay có giảm trong năm 2021 cũng chỉ từ 0,2-0,5 điểm % nữa. Mức giảm này vẫn không tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động. Nếu vậy, đương nhiên lợi nhuận tốt sẽ thuộc về các ngân hàng.

Hơn nữa, lãi suất huy động thấp không còn hấp dẫn khách gửi tiết kiệm lại giúp các ngân hàng “tiêu” bớt một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đang găm giữ.

Nửa đầu năm 2020, do tín dụng tăng trưởng ì ạch nên thanh khoản của các ngân hàng dư thừa lớn, vì vậy thi nhau “đổ” vào trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo tài chính quý 3/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, các nhà băng đang “ôm” một lượng khá lớn trái phiếu doanh nghiệp. Tận dụng thời cơ lãi suất tiết kiệm thấp, ngân hàng tăng cường “dụ” khách mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng từ 9-11%/năm nên hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm chỉ 6-7%/năm. Nhiều ngân hàng trong quý 4/2020 vẫn bán ra hàng trăm tỷ giá trị trái phiếu doanh nghiệp mỗi tháng, chủ yếu cho khách hàng cá nhân. Chia nhỏ trái phiếu doanh nghiệp thành nhiều sản phẩm “con” bán cho nhà đầu tư cá nhân, trên thực tế, đang giúp các ngân hàng chia sẻ rủi ro khoản đầu tư này thay vì “ôm” trọn.

Trần Thủy/ VNN

Bài mới
Đọc nhiều