+
Aa
-
like
comment

Góc nhìn khác về vaccine có nguồn gốc Trung Quốc

01/08/2021 18:59

Hôm qua, có thông tin 1 triệu liều vaccine Sinopharm Beijing của Trung Quốc được nhập về Việt Nam và sắp tới sẽ có thêm 4 triệu liều nữa về trong tháng 8. Đây là 5 triệu liều vaccine đầu tiên TP.HCM chủ động đàm phán và mua với giá 45 triệu USD về để tiêm cho người dân thành phố.

Một triệu vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) đã về TP.HCM.

Tôi nghe mà mừng nhưng nhiều người bạn tôi, kể cả những người mà tôi quý mến, vội vã đưa công khai những nhận xét khá tiêu cực và nghi ngờ cả chất lượng lẫn động cơ của 5 triệu liều này. Như đã biết, vaccine Sinopharm Beijing là một trong ba loại vaccine ngừa Covid-19 (cùng với CoronaVac, SinoVac) do Trung Quốc sản xuất, hiệu quả mỗi loại vaccine là khác nhau. Nhưng vì việc lan toả sự nghi ngờ về vaccine do Trung Quốc sản xuất sẽ làm cho rất nhiều người nghèo, người lao động lo ngại một cách không có cơ sở và không dám tiêm để phòng bệnh cho mình và cho xã hội, nên tôi dành đêm qua đọc rất nhiều nguồn thông tin chính thống, độc lập về Vero Cell bằng tiếng Anh.

1. Với những ai kêu nghi ngờ “chất lượng” vaccine có nguồn gốc Trung Quốc, tôi chia 2 nhóm:

a) Các bạn dựa trên những cơ sở không có khoa học như: Vaccine của Trung Quốc không tin được, bên Indonesia tiêm vaccine Trung Quốc vẫn bùng dịch… Với những bạn này tranh luận là vô ích vì các bạn không có nguồn thông tin chính thống, dù chỉ là đại chúng như báo chí nước ngoài, đánh giá rất cảm tính rồi chủ yếu là các “anh hùng bàn phím” trên MXH và chỉ nói a dua. Nhưng tôi cũng cho các bạn một số lý lẽ: Indonesia bùng dịch, Anh tiêm AstraZeneca, cũng bùng dịch lại ầm ầm, Israel cũng vậy, Mỹ tiêm Pfizer cũng phải ra lệnh vẫn mang khẩu trang. Hiệu quả của mọi vaccine đều là: Dù dịch bùng lại nhưng ngắn hơn, nhẹ hơn, tỷ lệ người nặng và chết giảm cả trăm lần. Còn Trung Quốc tiêm 100% vaccine Trung Quốc thì cho tới nay đã trở lại cuộc sống bình thường thì không thấy ai nói. Và nhiều nước khác trong đó có cả Châu Âu như Hungary, nhà giàu như Ả Rập Xê Út.

b) Nhóm một số người có kiến thức, lo ngại là vaccine Trung Quốc chưa được trải qua quá trình thẩm định độc lập, chưa có các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng do quốc tế quan sát. Tôi xin trả lời: Vaccine Sinopharm Beijing đã được WHO cho vào danh sách tiêm khẩn cấp. Quá trình thẩm định của WHO, chúng ta có thể xem trên mạng, có cả nhóm chuyên gia độc lập. Vaccine Covid-19 loại nào thì cũng mới chỉ tiêm cho con người dưới một năm, ngay cả Âu Mỹ cũng phải ra các quy chế khẩn cấp để giản lược quá trình thẩm định. Hơn 1 tỷ người tiêm ở Trung Quốc cùng hàng trăm triệu người ở các nước Âu, Á, Nam Mỹ đã tiêm, chính là cơ sở đánh giá lâm sàng tốt nhất. Tôi chưa hề có một thông tin chính thống nào về tác dụng phụ nguy hiểm hơn các loại vaccine khác. Nhiều nguồn nói là công nghệ vaccine truyền thống an toàn hơn mRNA vì đã có cả trăm năm lịch sử. Có thể nói hiệu quả bảo vệ của Sinopharm thấp hơn so với vaccine công nghệ mới (60-70% so với 80-90%), nhưng bù lại nó rẻ, dễ bảo quản, mua được ngay.

Vì thế, tôi tin 5 triệu liều vaccine có nguồn gốc từ Trung Quốc về tới thành phố trong tháng 8 là tin rất đáng mừng. Những người yếu thế nếu muốn tiêm ngay sẽ được tiêm ngay. Nếu không muốn họ có thể chờ. Tôi tin là rất nhiều người, nhất là cả ngàn con người đang rong ruổi về quê tránh dịch và tránh chết đói, sẽ sẵn sàng nhận 60% bảo vệ thay vì 0%. Và họ cũng không phải lo thiệt thòi, đến tháng 10 và tháng 11, khi các loại vaccine về nhiều, họ có thể chọn tiêm thêm mũi thứ 3. Đây cũng chính là chiến lược hiện nay của Trung Quốc cho người dân nước họ. Họ đã ký kết liên doanh với một công ty của Đức để sản xuất đại trà mRNA tại Trung quốc. Tôi thấy cần học Trung Quốc: phủ nhanh phủ rộng trước, rồi tăng cường sau. Còn với những loại thuyết âm mưu kiểu “tiêm vào thành người Trung Quốc, nó gài chất độc vào” thì thôi để họ tiêm vaccine Mỹ cho thành người Mỹ luôn.

Hoàng Thị Mai Hương

* Bài viết mang quan điểm và văn phong của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều