Lạc quan về khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2021
Tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, ngành ngân hàng vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2021 có thể đạt 13%.
Theo ghi nhận trên thị trường, lãi suất liên ngân hành đang có diễn biến giảm ở loại kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần. Hiện tại cả 3 ba loại kỳ hạn ngắn hạn từ 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng của lãi suất liên ngân hàng đều đang thấp hơn mức trung bình cả năm 2021 và ở mức thấp trong những tháng gần đây. Diễn biến này cho thấy thanh khoảng hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát.
Dù mức tăng trưởng tín dụng thời gian qua vẫn tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 9 tháng năm 2021 đạt 7,17%, cao hơn mức 4,49% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng so với cuối tháng 8, tín dụng tháng 9 đã ghi nhận ở mức tăng trưởng âm, khi dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 23 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về dòng tiền và chịu ảnh hưởng bởi dịch. Trước đó, báo cáo của trung tâm nghiên cứu chứng khoán VnDirect đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống 10% – 12%, từ mức 13% do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Nguyên nhân của sự suy giảm này là do dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng của ngân hàng. Cùng với đó, tổ chức hoạt động của ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hạn chế đi lại, số lượng giấy đi đường được cấp… khiến việc tiếp cận để giải ngân các khoản cho vay mới gặp khó, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cộng với điều chỉnh chiến lược từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong quý IV/2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ phục thuộc vào sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Theo các các chuyên gia kinh tế đánh giá, để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Và một trong các biện pháp chính là tăng trần tín dụng để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay. Mới đây, trên thị trường cũng đã ghi nhận không ít ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng như Techcombank, TienphongBank vừa được cấp tăng trưởng tín dụng cao nhất ở mức trên 17%. Một số ngân hàng thương mại khách như MSB, MB bank cũng được nới room tín dụng lên 9% – 15%. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa cấp vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp và kéo dài, tác động tích cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Dịch bệnh đã tác động trực diện đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong hơn 1 năm qua, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như là vận tải, nghỉ dưỡng. Tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh vốn cao, nay không hoạt động được, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng. Nếu không kiểm soát được nợ xấu, tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Do vậy, một trong những điều kiện để các ngân hàng có thể tăng tín dụng là Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian áp dụng. Bởi nếu không được tiếp tục cơ cấu nợ, các ngân hàng buộc phải giảm cho vay và tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.
Phía ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện dư địa tín dụng của ngân hàng vẫn còn, nên các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định thì đều được ngân hàng hỗ trợ, xem xét cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng cuối năm có thể sẽ phục hồi nhưng chưa thể bứt phá như những năm trước, bởi lẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Nhìn về năm 2022, lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch. Những khoảng trống tăng trưởng tín dụng sẽ được bù đắp trong những quý tiếp theo khi hoạt động sản xuất, kinh doanh vận hành bình thường trở lại.
Diệu Hương