+
Aa
-
like
comment

Lá thư cô bé lớp 6 lay động, nhiều hiệu trưởng sẽ tổ chức ngày khai giảng ‘không bóng bay’

27/07/2019 10:39

Thường xuyên được mẹ cho ‘xách balô lên và đi’, sau mỗi lần đi về, cô bé Nguyệt Linh lại viết về những điều mình trải nghiệm. Và ý tưởng khai giảng không bóng bay nảy ra từ sau những chuyến đi ấy.

Lá thư cô bé lớp 6 lay động, nhiều hiệu trưởng sẽ tổ chức ngày khai giảng không bóng bay - Ảnh 1.
Nguyệt Linh được cha mẹ khuyến khích sống hòa mình với thiên nhiên – Ảnh: Gia đình cung cấp

Lá thư đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học của Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội), gửi thầy hiệu trưởng làm lay động trái tim nhiều người trong hơn một ngày qua.

Vì sao em viết lá thư này? Đó không phải ý nghĩ nhất thời mà thực sự là kết quả của một hành trình.

Tự tìm địa chỉ gửi thư cho nhiều trường phổ thông

“Gần đây, con nói với tôi sẽ không chơi bóng bay nữa, tôi cũng bất ngờ” – chị Lê Hoàng Minh Nguyệt, giảng viên khoa thống kê Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mẹ của Nguyệt Linh, kể lại với Tuổi Trẻ. Vốn gần gũi, chủ động cùng con trải nghiệm, chia sẻ những vấn đề mà con quan tâm nên chị Nguyệt tìm hiểu lý do từ chối chơi bóng bay của con gái.

Theo lời chị Nguyệt, cô bé Nguyệt Linh rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sống. Khi tham gia một khóa học làm phim, Nguyệt Linh vừa cùng nhóm bạn làm một phim ngắn về môi trường do em viết kịch bản và diễn xuất. Nguyệt Linh cũng tự mày mò dựng một video kêu gọi giảm dùng đồ nhựa một lần.

Khi được mẹ cho tham gia khóa học nhiếp ảnh của thầy Nguyễn Việt Hùng (nhiếp ảnh gia được nhiều người biết đến với hành trình đi dọc bờ biển để chụp ảnh rác thải đổ ra biển), Nguyệt Linh thường theo dõi các bài viết của thầy trong một thời gian dài. Cô bé ấn tượng với một bài viết gần đây của thầy kể về những con chim nuốt phải xác bóng bay trên biển và bị chết.

“Con nói với tôi bóng bay cũng là rác thải nhựa. Con không chỉ dứt khoát không chơi bóng bay mà nói với tôi ở trường vẫn thả bóng bay trong lễ khai giảng, điều đó làm con lo lắng. Tôi khích lệ con viết ra suy nghĩ đó. Con quyết định lựa chọn cách viết thư qua email và tự lên mạng tìm địa chỉ của nhiều trường phổ thông để gửi thư đến” – chị Nguyệt chia sẻ.

Bài viết của Nguyệt Linh ban đầu được mẹ đăng trên Facebook cá nhân ở chế độ bạn bè. Chị Nguyệt cho biết chị không nghĩ nó có hiệu ứng lan tỏa như thế.

“Việc Nguyệt Linh viết thư cho hiệu trưởng các trường, tuy tôi khích lệ con nhưng tôi cũng không tin các thầy cô để ý đến lá thư của một đứa trẻ. Nhưng thật vui là tới hôm nay (ngày 26-7) đã có 3 hiệu trưởng trường phổ thông có thư phúc đáp cho cháu” – chị Nguyệt cho biết.

Ngoài thầy hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội có thư phúc đáp và khẳng định sẽ “không thả bóng bay” trong lễ khai giảng, Nguyệt Linh nhận được thư phúc đáp, ủng hộ khai giảng không bóng bay của lãnh đạo Trường tiểu học Pascal, Trường quốc tế Việt – Úc và Trường phổ thông Bill Gates.

Lá thư cô bé lớp 6 lay động, nhiều hiệu trưởng sẽ tổ chức ngày khai giảng không bóng bay - Ảnh 3.
Nguyễn Nguyệt Linh và mẹ – Ảnh: Gia đình cung cấp

Ra với thiên nhiên

Chị Lê Hoàng Minh Nguyệt nhắc nhiều lần khi trao đổi với Tuổi Trẻ về con gái rằng “con tôi bình thường, rất bình thường”. Cô Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm của Nguyệt Linh ở lớp 5, cũng cho biết Nguyệt Linh không phải học sinh có điểm số xuất sắc. Cô bé học tốt đều các môn, chăm chỉ, ngoan ngoãn – những phẩm chất được mẹ Nguyệt Linh đánh giá là “bình thường”.

Nhưng cả cô Thu Hà và chị Minh Nguyệt đều cho biết Nguyệt Linh hòa đồng, vui vẻ, thích chia sẻ với mọi người xung quanh. Đặc biệt là cô bé có khả năng quan sát và thích viết về những điều mình biết.

“Gia đình cô bé rất chịu khó cho con đi trải nghiệm, mỗi lần đi về, cô bé lại viết. Tôi chọn những bài hay gửi đăng lên trang của trường và ban biên tập trang tin của trường đã trả nhuận bút cho con” – cô Thu Hà kể.

Kể về việc “xách balô lên và đi”, chị Minh Nguyệt tâm sự: “Với mỗi đứa trẻ, cần có một cách giáo dục khác nhau, nhưng với các con, chúng tôi tâm niệm cố dành nhiều thời gian để yêu thương, để trò chuyện.

Và tôi không muốn nhốt con trong nhà với các thiết bị tiện ích mà mang các con ra ngoài thiên nhiên, đi bảo tàng, tiếp xúc với nhiều người, nhiều cảnh đời. Đó là cách để con có hiểu biết về cuộc sống quanh mình, biết chia sẻ, học những thói quen tốt. Tôi cũng cho con tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ủng hộ khi con muốn học những thứ con thích như nhiếp ảnh, hội họa, làm phim…”.

Khi Tuổi Trẻ ngỏ ý muốn gặp Nguyệt Linh, chị Minh Nguyệt cho biết gia đình chị và bé Nguyệt Linh đều thống nhất sẽ không muốn bé tiếp xúc nhiều với truyền thông. Bởi gia đình và cô bé chỉ muốn “mọi người tập trung sự chú ý vào việc giảm sử dụng rác thải nhựa bảo vệ môi trường chứ không phải chú ý đến Nguyệt Linh”.

Lá thư cô bé lớp 6 lay động, nhiều hiệu trưởng sẽ tổ chức ngày khai giảng không bóng bay - Ảnh 4.
Nguyệt Linh tranh thủ đọc sách trên xe buýt – Ảnh: Gia đình cung cấp

Những phẩm chất rất đáng suy nghĩ

Nhiều người ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ việc một cô bé lớp 5 sao lại có những suy nghĩ khiến người lớn giật mình như thế. Nhưng khi nghe câu chuyện cô giáo và mẹ của Nguyệt Linh kể thì thấy mọi điều “đặc biệt” của cô bé đều có hành trình. Một cô bé “bình thường” về điểm số ở trường nhưng Nguyệt Linh có ý thức trách nhiệm tốt, có đam mê lành mạnh, có lòng trắc ẩn – những phẩm chất rất đáng để nhiều cha mẹ suy nghĩ đến.

Lan tỏa ý tưởng hay

Từ lá thư của cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, thầy hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã quyết định có một “lễ khai giảng Nguyệt Linh” vào ngày 5-9 sắp tới. Lễ khai giảng không thả bóng bay như một thông điệp nhân rộng ý thức bảo vệ môi trường.

Trong khi đó ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng không thả bóng bay vào ngày khai giảng. Năm học đến và những năm học sau, tôi sẽ triển khai cho đơn vị không thả bóng bay chào mừng khai giảng nữa. Bởi có hai căn cứ: để bảo vệ môi trường, đây là vấn đề lớn của toàn cầu; và góp phần thực hiện phần bé nhỏ trong cuộc vận động không xả rác kênh rạch của Thành ủy TP.HCM”.

Ông Hoàng cũng phân tích thêm rằng ý tưởng của học sinh chí lý ở chỗ bong bóng bay bản chất nó như bao nilông, là rác, mất rất nhiều thời gian để phân hủy được. Nếu nó rơi xuống kênh rạch thì tắc kênh rạch, rơi xuống đất thì ô nhiễm, rơi xuống biển thì ảnh hưởng môi trường sống cá, chim… “Chắc chắn từ việc không sử dụng bong bóng bay, tôi nhân rộng ý tưởng này ra cho các em về hạn chế chai nhựa, túi nilông… cũng là giáo dục thêm ý thức bảo vệ môi trường cho học trò” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Còn bà Lê Thị Thanh Giang, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến em học sinh, từ lâu, sở đã có chủ trương không tặng hoa quà nhân những ngày lễ nhằm tránh gây lãng phí, không tiết kiệm. Rồi cả TP, cả nước đang thực hiện TP xanh, nói không với rác thải nhựa và nilông… nên nếu đem điều này áp dụng vào trường trong năm học mới tôi hoàn toàn ủng hộ. Hiện nay Trường THCS Trần Văn Ơn đã thành lập câu lạc bộ Go Green trong các bạn học sinh, từ lá thư của em học sinh Hà Nội, trường sẽ đẩy mạnh và hoạt động sâu rộng trong năm học tới”.

Ông Đỗ Thế Phương, hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), cũng chia sẻ rằng hoàn toàn đồng ý với ý kiến, ý tưởng xuất sắc và rất thiết thực này. “Mọi năm trường có thả bóng bay nhưng ít, còn năm nay trường áp dụng luôn là sẽ không thả bóng bay để chào mừng. Qua đó trường sẽ giải thích và lồng ghép để lan truyền ý thức gìn giữ môi trường từ những điều nhỏ bé đến các em học sinh”. (THẢO THƯƠNG)

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều