Là công dân Việt, phải có trách nhiệm phòng chống dịch
Nhiều người dân, cán bộ, công chức… lên tiếng kêu gọi mọi người cùng tham gia phòng chống dịch COVID-19, sau câu chuyện một số công dân Việt đã tổ chức cho người nước ngoài và người Việt nhập cảnh trái phép.
————————–
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM):
Tố giác người nhập cảnh trái phép là ý thức và nghĩa vụ
Vừa qua, Thủ tướng đã phát động toàn dân tố giác người nhập cảnh trái phép. Đây là một hành động cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh, cần sự chung tay góp sức của từng cá nhân, gia đình và cả xã hội.
Điển hình là trường hợp mẹ của bệnh nhân 1440, khi thấy con trai mình trở về từ Myanmar đã chủ động khai báo. Từ đó, không chỉ ca dương tính 1440 mà các ca dương tính nhập cảnh trái phép khác cũng đã được phát hiện.
Việc tố giác người nhập cảnh trái phép là rất cần thiết, đặc biệt trong tình hình nhiều quốc gia trong khu vực đang bùng nổ dịch bệnh như Thái Lan, Campuchia… Người dân tố giác sớm thì cơ quan chức năng nhanh chóng xét nghiệm, truy vết, hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.
Thực tế các ca nhiễm COVID-19 gần đây cho thấy nhập cảnh trái phép là nguồn nguy cơ lây lan dịch khá lớn. Kể cả trong trường hợp những người nhập cảnh này không nhiễm bệnh thì cũng phát sinh rất nhiều chi phí phòng dịch.
Trong khi đó, người Việt Nam có thể nhập cảnh về nước dễ dàng qua các con đường chính thống, được khai báo y tế và cách ly ngay.
Trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh thì người này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sau đó vẫn được giải quyết cho nhập cảnh.
Tố giác người nhập cảnh trái phép không chỉ là ý thức mà còn là nghĩa vụ của công dân. Nếu biết mà không tố giác còn có thể bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Ông Lâm Nam (54 tuổi, ngụ ở phường 9, quận 5, TP.HCM):
Người dân cần đoàn kết, giúp đỡ nhau
Tôi là một cư dân ở chung cư Sư Vạn Hạnh từng bị phong tỏa do người hàng xóm nhiễm COVID-19 (bệnh nhân 1451 nhập cảnh trái phép cùng bệnh nhân 1440). Thời điểm địa phương phát thông báo ca nhiễm COVID-19 tại chung cư, yêu cầu bà con “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ai cũng hoang mang, lo lắng, trong đó có tôi.
Nhiều người dân ở đây phải gác lại công việc thường nhật, chấp hành khai báo y tế và cách ly tại nhà. Không ít người phàn nàn vì con em họ có lịch thi trong thời gian phong tỏa, phải liên hệ nhà trường xin vắng và sắp xếp thi lại sau khi gỡ bỏ phong tỏa. Gần như mọi sinh hoạt, công việc của người dân trong khu phong tỏa đảo lộn…
Rất may là kết quả xét nghiệm 27 người tiếp xúc gần (F1) âm tính COVID-19 nên sau đó lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, chứ nếu có trường hợp dương tính thì không biết tình hình sẽ còn kéo dài trong bao lâu.
Từ sự việc trên, theo tôi, việc phòng chống dịch COVID-19 là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, không của riêng ai. Chúng ta cứ trách móc những trường hợp nhiễm COVID-19 do nhập cảnh trái phép hay cố ý rời khỏi nơi cách ly thì cũng chẳng giúp được gì, thay vào đó hãy tự bảo vệ mình và người thân theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Rất may, người dân chung cư này rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, người nào không đeo khẩu trang thì nhắc nhở rồi họ cũng vui vẻ tuân thủ. Ngay khu vực điểm báo thông tin tại tầng trệt chung cư lúc nào cũng có hộp khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để người nào cần thì sử dụng.
Tôi mong những người nhập cảnh thành thật khai báo y tế, tránh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Anh Trần Sang (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM):
Rà soát từ tổ dân phố
Sau vụ việc phát hiện bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép, TP lại truy vết được hai bệnh nhân là 1451 và 1453. Nếu không phát hiện ra bệnh nhân 1440 thì hai bệnh nhân còn lại vẫn lẩn trốn trong cộng đồng, mối nguy cơ lây lan dịch bệnh từ người nhập cảnh là rất lớn.
Thời điểm hiện tại ý thức của mỗi người dân là rất quan trọng, việc khai báo y tế không chỉ đảm bảo an toàn cho mình mà còn cho cả gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên lơ là, chủ quan với dịch COVID-19, tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang y tế nơi công cộng.
Ngoài việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chúng ta nên cảnh giác, phát hiện và báo cáo chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Thời điểm hiện tại đã gần đến Tết Nguyên đán, UBND các quận huyện cần tăng cường nắm bắt thông tin tại địa bàn quản lý, kiểm soát tạm trú, tạm vắng, nắm kỹ các trường hợp nhập cảnh. Khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép cần phải xử lý ngay và mạnh tay hơn để răn đe các trường hợp khác.
Địa phương cần tăng cường vai trò của cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố, nắm tình hình tại địa phương, nhất là gia đình có người thân ở nước ngoài.
ThS.BS Đinh Thị Hải Yến (trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM):
Không chủ quan, thực hiện theo khuyến cáo 5K
Những ngày cuối năm 2020, TP.HCM ghi nhận 6 trường hợp trong nhóm nhập cảnh trái phép cùng bệnh nhân 1440, trong đó có 2 trường hợp nhiễm COVID-19 là bệnh nhân 1451 và 1453, những người còn lại đã có kết quả âm tính COVID-19.
Tuy nhiên, mối lo vẫn còn đó khi TP.HCM – nơi đông dân nhất nước, đầu tàu kinh tế và tết cổ truyền sắp đến, nhu cầu đi lại cao.
Để có một cái tết an lành, trọn vẹn, người dân TP.HCM cần tiếp tục chung sức trong cuộc chiến chống COVID-19, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoảng loạn trước tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, cần cảnh giác trước các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép hãy thông tin ngay đến chính quyền địa phương để được xử lý đúng quy định.
Bản thân những người nhập cảnh trái phép hãy vì sự an toàn cho cộng đồng mà thực hiện khai báo y tế để được giám sát y tế theo quy định và đây cũng là trách nhiệm với đất nước, cộng đồng. Tết cổ truyền sắp tới, hãy cùng góp sức để tất cả chúng ta có những ngày tết sum họp đầm ấm, bình an.
XUÂN MAI – THU HIẾN – TUYẾT MAI ghi