+
Aa
-
like
comment

Là cô giáo, nếu không đủ yêu thương sẽ thật nguy hiểm!

Quỳnh Quỳnh - 21/05/2020 17:08

Trong môi trường giáo dục, điều cần hơn cả là tình thương yêu đối với học trò, nhất là với các em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học

Một vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Quang Trung, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng hiện đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo chia sẻ của chị M., con gái chị vì đi học sớm nên bị cô giáo phê bình, không cho vào lớp và phải đứng đợi dưới cái nắng nóng gần 40 độ.

Xin đừng vô cảm 

Thế nhưng, mọi quy định đã trở thành cứng nhắc. Chỉ vì quy định 1h30 mới là giờ chính thức mà cô giáo rập khuôn luôn cả cách phê bình phản cảm: Chụp ảnh các em đến sớm rồi đưa ra phê bình cho cả nhóm phụ huynh. Sự cứng nhắc của cô giáo đã làm nguội lạnh đi tố chất đầu tiên của người thầy, đó là tình yêu thương. Cái nắng đỉnh điểm của mùa hè của một năm học đầy vất vả đã không lay động được tình cảm của cô giáo.  Học sinh đến trường học kiến thức, nhưng quý giá hơn nếu các em được học với những người thầy cô hết lòng yêu thương, bao dung.

Đọc câu chuyện này tôi chợt nhớ tới những người thầy ở miền núi đi vào rừng tìm học sinh trốn học. Hay hình ảnh thầy hiệu trưởng cưu mang một cậu học sinh bé tí. Em học sinh bị bệnh và thầy đã không quản ngại mang ra Hà Nội để chữa trị. Tôi cũng nhớ một giáo viên nói rằng, nghề giáo bên cạnh ý thức nâng cao chuyên môn, sống hết mình với những bài giảng thì cần thực hành những bài học giản dị về sự yêu thương. Học trò dù ở lứa tuổi nào các em cũng tinh tế để nhận ra tấm lòng của cô giáo.

Với nhà giáo còn gì quý hơn là tình yêu thương, sự trân trọng, tôn quý của học sinh với mình. Nếu không biết thương một đứa trẻ đứng nắng, làm sao dạy được học sinh?

Một vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Quang Trung, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng hiện đang khiến dư luận vô cùng bức xúc

Sự việc đến nay cũng đã được xử lý với lời xin lỗi từ nhà trường. Cô giáo chủ nhiệm cũng đã bị phê bình nghiêm khắc. Đây không phải là lần đầu tiên, những sự việc như thế này xảy ra trong môi trường giáo dục. Sau những câu chuyện như thế này, điều cần nói hơn cả là tình thương yêu đối với trẻ, nhất là với các em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Ở lứa tuổi như vậy, các em đang khá nghịch ngợm và chưa ý thức được nguy hiểm. Nếu hôm đó khi bị đuổi ra khỏi cổng, cháu bé không đứng yên mà bỏ đi đâu đó thì không biết điều gì sẽ xảy ra.Thật may mắn, sự việc em học sinh tiểu học đi học sớm phải đứng ngoài cổng trường đã nhanh chóng được phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc nào. Và nhà trường cũng đã kịp thời rút kinh nghiệm để không lặp lại sự việc tương tự.

Thật rùng mình khi nhớ lại vụ cháu bé là học sinh lớp 1 Trường phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Cầu Giấy, Hà Nội đã tử vong trên ô tô đưa đón học sinh của trường. Nguyên nhân được cho là em bị bỏ quên. Trong vụ việc này, nếu đủ yêu thương, cô giáo sẽ phải trăn trở vì sao trong suốt thời gian từ sáng tới chiều học sinh lại vắng mặt chứ không chỉ đến khi xảy ra hậu quả đau lòng mới thông báo cho phụ huynh.

Từ những sự việc này cho thấy, nếu trong môi trường giáo dục, thầy cô có đủ yêu thương thì sẽ không hành xử vô cảm đến như vậy. Với em học sinh ở trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, nếu thực sự yêu trẻ, thầy cô sẽ bất an khi để một đứa trẻ nhỏ đứng ngoài cổng trường dưới trời nắng như vậy. Nếu yêu thương, ai cũng cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Và nếu đủ yêu thương, chắc chắn chẳng ai lại đi phê bình một học sinh bị đuổi ra khỏi cổng chỉ vì…đi học sớm.

Yêu thương, chia sẻ trong môi trường nào cũng cần thiết và nhưng trong môi trường mô phạm, điều đó cần hơn tất cả. Bởi chỉ có tình yêu thương mới đem lại hiệu quả trong giáo dục. Một đứa trẻ nếu được sống trong môi trường có tình yêu thương từ gia đình, nhà trường, chắc chắn khi lớn lên sẽ biết sẻ chia, cảm thông và sống bao dung với mọi người hơn.

Nhất là đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, giai đoạn đặt “nền móng” trong việc hình thành nhân cách, thì tình yêu thương của người lớn, của thầy cô lại càng quan trọng hơn lúc nào hết.

Nhìn nhận về thực tế này, các chuyên gia xã hội học cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.

Chỉ cần ta xem học trò như người thân, như những người cần được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, uốn nắn… thay vì là những “đối tượng” cần phải canh chừng, chúng ta sẽ hành xử với học trò rất khác. Mà, có khi cũng chẳng cần những điều cao siêu lẽ ra là bình thường đó, chỉ cần nhớ học trò là con người thôi cũng đã không thể buộc các em phải phơi nắng trước cổng trường.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều