Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều tháng qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã không quản khó khăn, kiên trì bám biển thực tốt hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Vùng biển Tây Nam có chiều dài bờ biển khoảng 450 km, diện tích khoảng 150.000 km², giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Hằng ngày, có hàng nghìn phương tiện hoạt động, lưu thông trong vùng biển này nên tạo áp lực lớn cho các lực lượng đang thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều tháng qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã không quản khó khăn, kiên trì bám biển thực tốt hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.
Không lơ là, chủ quan
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: Ngoài các trạm ra đa quan sát và lực lượng trực thường xuyên, từ đầu tháng 5 đến nay, Vùng 5 Hải quân đã điều 4 tàu cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép trên vùng biển Tây Nam. Đồng thời, đơn vị thường xuyên duy trì đường dây nóng với Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Hải quân Hoàng gia Campuchia nhằm trao đổi thông tin về tình hình dịch Covid-19, tình hình di chuyển của người dân, nhất là di chuyển về Việt Nam bằng đường biển để có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Trên vùng biển Tây Nam, đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là một trong những địa bàn “nóng” về hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động Việt Nam làm ăn ở Campuchia lo sợ dịch bệnh nên trở về nước nhưng không muốn đi cách ly y tế theo quy định đã tìm mọi cách nhập cảnh trái phép vào địa bàn đảo Phú Quốc. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Vùng 5 Hải quân đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển kịp thời phát hiện, bàn giao cho cơ quan chức năng 55 phương tiện cùng 151 người từ Campuchia về đảo Phú Quốc, trong đó có 36 đối tượng nhập cảnh trái phép.
Theo Đại úy Châu Văn Ly, Thuyền trưởng Tàu 997, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân, những tháng gần đây, lượng phương tiện từ vùng biển Campuchia về Phú Quốc gia tăng đột biến. Nhiều tàu thuyền trà trộn, giả danh tàu đánh cá để chở người nhập cảnh trái phép. Vì vậy, cán bộ chiến sĩ tàu phải thay nhau canh trực 24/24 giờ, bởi chỉ một phút chủ quan, mất cảnh giác, dịch bệnh có thể sẽ lây lan từ người nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Thời điểm này ở khu vực biển Tây Nam thường xuyên có mưa dông nên các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, sóng lớn, tổ chức chở người nhập cảnh trái phép nên gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng trong quá trình tiếp cận, truy bắt. Để phát hiện, xử lý chính xác, kịp thời, hiệu quả các tình huống, ngoài phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các trạm ra đa của Vùng và đơn vị bạn đấu tranh ngăn chặn, cán bộ chiến sĩ tàu 997 còn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, quan sát, phân tích, nhận dạng mục tiêu, không để sót, lọt, bị động, bất ngờ.
Theo Thượng tá Hoàng Quốc Hoàn, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 5 Hải quân: Cùng với kiểm tra chặt chẽ các phương tiện, tàu cá hoạt động trên vùng biển được phân công quản lý, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động ngư dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực đồng hành cùng với các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngư dân Lê Thành Xuân, Tàu cá KG 94355 TS cho biết: Được cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân tuyên truyền, chúng tôi đã nhận thức rõ tác hại của dịch Covid-19. Nếu phát hiện tàu lạ hoặc người vượt biên, nhập cảnh trái phép vào địa bàn, chúng tôi sẽ báo ngay cho các lực lượng chức năng xử lý.
Khắc phục khó khăn
Không chỉ vật lộn với sóng to gió lớn, CBCS trực trê những con tàu của Vùng 5 Hải quân còn đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bệnh và phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách khác. Đại uý Lê Văn Hùng, Y sĩ Đội điều trị 78, Phòng Hậu cần, Vùng 5 Hải quân đang công tác trên Tàu 792 tâm sự: Điều kiện trên biển khác với ở đất liền, nếu không cẩn thận để nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ của tàu. Vì thế, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn, mặc dù nắng nóng, đi lại khó khăn nhất là lúc sóng to gió lớn nhưng chúng tôi thực hiện nghiêm việc mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn.
Với Trung sĩ Tống Văn Thắng, Chiến sĩ Hàng hải Tàu 796, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, do mới về đơn vị nhận công tác, chưa quen với điều kiện sóng gió, sinh hoạt trên tàu nên đã gặp không ít trở ngại. Thắng bộc bạch: “Tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển nên thiếu rau xanh, nước ngọt. Vì vậy, tất cả mọi thứ đều được tính toán sử dụng sao cho hợp lý, tiết kiệm. Ví dụ như nước sinh hoạt, mỗi người chỉ được tắm một lần/tuần. Ban đầu tôi cảm thấy rất khó chịu nhưng xác định được tính chất của công việc đang làm nên tôi cùng các đồng đội đã cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Còn Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Đăng Trung, Nhân viên Thông tin Tàu 627, Hải đội 511, Lữ đoàn 127 khi đang thực hiện trực chốt chống nhập cảnh trái phép trên biển, vợ anh ở quê (Nghệ An) khó sinh, phải mổ cấp cứu. Bố mẹ, anh em ở gần nhưng không thể đến chăm sóc được vì gia đình nằm trong khu vực bị phong tỏa, cách ly. Dù rất lo lắng cho vợ con nhưng Trung đã kìm nén cảm xúc cá nhân để không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị.
Hàng ngày, hàng giờ dù phải đối mặt với nhiều thử thách và nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh nhưng cán bộ, chiến sĩ các tàu của Vùng 5 Hải quân đều xác định tốt tư tưởng, khắc phục khó khăn quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép vào nội địa, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Hình ảnh những người lính Vùng 5 Hải quân đang ngày đêm căng mình bám biển như những lá chắn thép nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid19 xâm nhập vào địa bàn đã tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” trên tuyến đầu phòng, chống dịch.
Thu Lan